Chuyện linh tinh

Tai Ương: Tại sao game kinh dị thuần Việt nó cứ khó hiểu vậy? 

Mặc dù chỉ mới trải nghiệm bản demo, nhưng Góc hư cấu rất khó để khen Tai Ương, khi nó không tạo ra được một chất riêng của game kinh dị.

Vẫn biết là với game indie thì làm về đề tài kinh dị sẽ là thứ hút fan nhất, nhưng để làm ra một sản phẩm thực sự có chất riêng quả thực vô cùng khó. Tuy sẽ hơi cực đoan nếu đánh giá Tai Ương chỉ qua bản demo, thì không thể khen nó được.

Cốt truyện ôm đồm và lan man

Điểm chung của các game kinh dị indie, đó là chúng sẽ lấy một điển tích, bối cảnh hay truyền thuyết đô thi nổi tiếng làm nền tảng, sau đó biến tấu theo ý muốn của nhà sản xuất để tạo sự tò mò lẫn sợ hãi cho người chơi. Tai Ương cũng giống như Thần Trùng, đó là lấy bối cảnh thành phố (ở đây là Sài Gòn những năm 90), với lời giới thiệu về một nhân vật chính bị dằn vặt bởi những tội lỗi trong quá khứ, giờ chúng đã tìm tới anh ta và đến lúc phải trả giá.

Vấn đề là cách triển khai của game, cũng giống như Thần Trùng lấy đề tài là trùng tang và truyền thuyết “Thần Trùng” – một thứ nghe cực kỳ xa lạ, thì Tai Ương lại theo kiểu lẩu thập cẩm, vừa có nuôi ngải với quỷ, vừa gọi hồn xong có chêm thêm những con rối từ múa rối nước vào.

Giống như cách mà Thần Trùng cho tò he vào game, thì tôi cũng không hiểu tại sao lại chọn múa rối nước, vì chắc hầu hết game thủ Việt Nam cả đời chưa bao giờ nghe cái sự tích kinh dị nào có liên quan tới bộ môn nghệ thuật này cả.

Nói thẳng toẹt ra thì khi chọn thể loại kinh dị, các nhà làm game không chọn được hoặc không thích một sự tích nào đó quen thuộc, bọn họ cố chế ra thứ gì đó mới độc đáo, nhưng cuối cùng nó lại chả liên quan gì cả. Đây là thứ mà các game như Tai Ương thiếu đó là sự đồng nhất trong cốt truyện, game ôm đồm quá nhiều thứ nhưng rất khó để xâu chuỗi chúng lại với nhau.

Từ việc nhân vật chính ở trong mơ, tự nhiên lại chuyển sang nuôi quỷ đói rồi có gọi hồn, mà cũng chẳng hiểu múa rối nước thì có liên quan gì tới cầu con trai nữa? Có cảm giác như các nhà phát triển chỉ cố gắng nhồi nhét càng nhiều yếu tố Việt Nam, mà theo kiểu cưỡng ép để cho game thủ thấy có có chất Việt, chứ nội dung thì mạnh cái nào cái đấy chạy lung tung.

Tất nhiên nếu tính mặt tích cực, thì Tai Ương tạo ra không khí tương đối rùng rợn, game cũng đã đưa các ghi chép và góc nhìn của nhân vật thông qua nhật kí, để tạo ra sự bí hiểm cho người chơi. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nó không tạo ra được sự nhất quán cũng như kích thích trí tò mò của người chơi,

Giải đố khó hiểu và “LẠI” jump-scare

Bỏ qua những thứ lặt vặt như không có tùy chỉnh, menu chưa rõ ràng hay FPS tụt lung tung trong quá trình chơi… vì dù sao Tai Ương vẫn là demo, thì điểm quan trọng nhất là sự sỡ hãi thì đáng buồn là tựa game này vẫn theo lối mòn cũ, đó là những đoạn jump scare lộ liễu.

Trong đoạn demo ngắn ngủi thời lượng thực khoảng 20 phút, thì Góc hư cấu đã đếm được tới 5 lần jump scare, trong đó có rất nhiều đoạn phải nói là lộ liễu không thể chấp nhận được. Ví dụ đơn giản nhất là trường đoạn đi vào nhà gặp ngạ quỷ, tại sao có thể loại một con quỷ ngồi thù lù trong góc, đúng như kiểu chờ bạn vào mà dọa như vậy được?

Rồi những chi tiết như bóng trắng, áo vải hay tiếng động bất chợt vang lên… nó đều quá lộ và thô, người chơi chỉ cần nhìn là biết luôn đây sẽ là jump scare rồi. Cái này tôi cũng nói trong bài viết về Thần Trùng, đó là đây là thứ khiến người ta giật mình, chứ không thể nói là làm người ta sợ được.

Và phần giải đố của Tai Ương thực sự có vấn đề, đầu tiên là việc tương tác với đồ vật quá khó, đúng kiểu bạn phải đi vào mò mẫm từng cái một để xem nó có hiện lên hay không. Tiếp theo đó là mặc dù game cũng đã học theo kiểu gợi ý gián tiếp qua ghi chú, nhưng việc khó tương tác vật thể, lại vô hình khiến cho người chơi cực kỳ khó để biết cái nào là thứ cần phải nhấn vào.

Lấy ví dụ như đoạn ngạ quỷ, chắc chắn là hầu hết người chơi bản demo bị kẹt ở đây khá lâu. Đầu tiên là con quỷ này di chuyển rất không theo quy tắc, bước đến gần hay nhặt đồ lên là nó sẽ tấn công, nhưng cũng có lúc đứng lâu nó cũng lao tới, mặc dù thứ bạn cần là bát cơm thì lại ở nhà bếp bên trong… nói đơn giản là game vô tình làm người chơi khó hiểu.

Mặc dù ít nhất Tai Ương còn có giải đố chứ không phải như Thần Trùng, nhưng làm vẫn chưa tới nơi, kiểu như ăn bát cơm có cả mấy chục hạt sạn trong đấy vậy. Không có tính nhất quán là vấn đề lớn nhất của game, rất khó để hi vọng Tai Ương sẽ là một game hay với demo như vậy, chưa kể nó còn không có DungCT để pr như Thần Trùng nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *