Các ông lớn làng game đang có ý định lấn sang vào lĩnh vực game NFT, từ Square Enix, Ubisoft, EA hay Konami đều không muốn là kẻ ngoài cuộc, vậy rốt cuộc game NFT là cái gì?
Game NFT là gì
Đã có rất nhiều người giải thích về khái niệm NFT hay game NFT, nay Góc Hư Cấu tôi chỉ xin nói ngắn gọn lại một lần cho nó dễ hiểu. NFT hay bất cứ thứ gì dựa vào nó, đều là một dạng Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế), hay đơn giản hơn là một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi blockchain tương tự như Bitcoin, Ethereum hay các đồng tiền ảo khác.
Do là vật phẩm số nên NFT không có giá trị vật lý, vì khi bạn mua một sản phẩm NFT thì bạn cũng đã mặc định là chủ sở hữu duy nhất của vật phẩm đó, cái ảo giác “độc nhất vô nhị” này khiến cho NFT trở nên nổi bật. Một phần nữa là theo xu hướng Metaverse (vũ trụ ảo) đang dự kiến sẽ nở rộ trong tương lai, thì những vật phẩm kiểu này sẽ thay thế các định dạng vật lý, khi con người bước chân vào thế giới ảo.

Game NFT về cơ bản cũng giống như các món đồ kể trên, chỉ khác là giờ đây thay vì sở hữu một bức tranh, đĩa nhạc hay thứ gì đó tương tự… thì bạn sẽ dùng tiền ảo để mua các đồ vật trong game để sử dụng trực tiếp. Người chơi sẽ có thể xây dựng, cải tiến và mua bán các vật phẩm này, hệt như một thị trường thật ngoài đời, chỉ khác là thay vì dùng tiền thật thì chúng ta sẽ dùng tiền ảo (Crypto) mà thôi.
Giờ thì hẳn bạn sẽ hỏi, nếu như game NFT chỉ đơn giản là mua bán các vật phẩm ảo trong game, thì nó có khác gì các thị trường chủ đạo từ trước tới giờ – hay ví dụ đơn giản là Steam Market, cũng như tại sao mọi người lại phát cuồng lên với chúng như vậy và tại sao những ông lớn như Square Enix hay Ubisoft đang rất thèm thuồng thị trường này?
Tại sao nó hấp dẫn
Để trả lời cho câu hỏi ở trên, thì chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa thị trường NFT cũng như các thị trường bán đồ game truyền thống. Như đã nói NFT là thị trường giao dịch dựa trên các đồng tiền ảo, đồng nghĩa mọi người có thể trực tiếp mua bán với nhau mà không cần thông qua bên thứ 3, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.
Để so sánh dễ hiểu thì thí dụ như bạn làm ra một cái skin rất đẹp và muốn kiếm lợi từ nó, thì như game truyền thống sẽ rất khó vì phần này đều do nhà phát hành nắm giữ, nếu như bạn muốn kiếm lợi thì phải chấp nhận chia phần trăm cho nhà phát hành, còn không thì cút. Game NFT thì khác, bạn có thể đem thứ skin đó lên chợ và bán trực tiếp, tiền chảy thẳng vào túi của ta ngay lập tức, hơn nữa do không phải qua trung gian nên số lượng vật phẩm cũng sẽ nhiều hơn.
Tiếp theo các game NFT có một thứ rất quan trọng đó là “play-to-earn” hay “chơi để kiếm tiền”, gần như tất cả các vật phẩm đều có thể bán và chúng ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh nhân vật. Không như một cái skin LOL chỉ có tác dụng trang trí, giờ đây bạn có thể mua một cái kiếm giúp tăng chỉ số công hoặc một cái khiên tăng thủ, điều này trực tiếp khiến game NFT trở nên hấp dẫn vì người chơi sẽ thực sự “cày” ra tiền thật.
Muốn nhân vật của mình mạnh hơn, lên chợ mà mua, kiếm được một món gì đó rất khỏe nhưng không hợp class, lên chợ màn bán. Thị trường game NFT vận hành mang tính liên tục và nó có phân chia rõ ràng, cũng giống như lúc trước bạn cày Võ lâm truyền kì ra một cái Vô danh giới chỉ đem bán, thì giờ đây mọi thứ trong game NFT mới này cũng vậy mà nó còn bán nhanh và tiện hơn nhiều.

Chính vì cái ý tưởng “chơi cũng có tiền” đã làm cho game NFT thu hút game thủ, ai cũng nghĩ chỉ cần vào game chơi rồi farm đồ là thể nào cũng có tiền. Khi số lượng người chơi biết tới một game NFT tăng lên, thì cũng đồng nghĩa nhu cầu vật phẩm cũng tăng theo tương ứng, từ đó tạo thành một cái thị trường vô tận và người chơi sẽ liên tục cùng nhau làm giàu – nghe hấp dẫn thật chứ hả?
Nếu như các ông lớn của làng game như Square Enix, Ubisoft, Sony hay Konami nhảy vào thị trường này, với uy tín và số lượng người chơi lên tới hàng trăm triệu của mình, thì bạn có thể tưởng tượng được số tiền được giao dịch sẽ khủng khiếp tới mức độ nào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, game NFT có thực sự hấp dẫn như vậy không, nếu đơn giản thế thì ai cũng thành tỉ phú hết à?
Game NFT – công cụ lùa gà đỉnh cao
Nếu hay theo dõi mạng xã hội, thì hẳn các bạn cũng chẳng lạ gì mấy cái drama về tiền ảo trong năm nay, những vụ chia 5 chia 10 tài khoản chỉ trong một cái tích tắc hay chủ đầu tư bán tống tài khoản để úp bô cộng đồng như một lũ ngố. Nếu như google cụm từ khóa “Game NFT”, thì bạn hoàn toàn có thể kiếm ra vài trăm cái dự án nhìn có vẻ rất hứa hẹn, có vẻ sẽ làm ra tiền tỉ từ chúng nó đây.
Ai cũng biết để tạo được một game ra hồn cần tương đối thời gian, với các game AAA thì phải mất hàng năm còn tiền phải tới bằng triệu đô là ít nhất. Nhưng thần kì làm sao game NFT chúng nó đẻ như chuột, khi bạn vào xem lộ trình thì hầu hết đều là từ 4 tới 6 tháng hứa sẽ ra game, với chất lượng qua quảng cáo toàn kiểu “độc nhất” “đẹp nhất” “hay nhất”… làm thế quái nào họ có thể làm được điều thần kì đó?
Câu trả lời ở đây rất dễ, đó là méo có khả năng nào cả, đến cả làm một cái game “HAY” hay indie ra hồn cũng phải mất cả năm, chứ đừng nói một sản phẩm có chiều sâu đủ lớn để người chơi farm vật phẩm kiếm tiền. Để có thể vẽ ra một lộ trình hoàn hảo, nhiều game NFT đã rất tự hào đi ăn cắp trailer hay hình ảnh của những sản phẩm nổi tiếng, sau đó edit video một chút để cho logo của mình vào và bắt đầu quảng cáo như thật.
Một số khác thì đi tìm con game đã dead và lấy cái nguồn của nó về, chỉnh sửa một chút và quảng cáo. Mục đích của việc này chỉ duy nhất hai chữ “lùa gà”, bằng cách vẽ ra một viễn cảnh hoàn hảo để dụ người chơi bỏ tiền mua vật phẩm hay token, bọn khốn đứng sau các game NFT này có thể tay không bắt giặc, không cần bỏ ra một chút chất xám nào cũng có tiền. Một điều nữa là số vốn bỏ ra cho các game NFT này khá cao, bạn phải đầu tư mua box hoặc thú lúc đầu nếu muốn chơi, mà chúng toàn tốn hàng trăm thậm chí hàng ngàn đô chứ không hề rẻ.
Lý do là vì hầu hết các game NFT sẽ tạo ra một đồng tiền ảo của riêng mình, sau đó người chơi sẽ dùng nó để giao dịch vật phẩm. Với sự ra đời của mạng lưới Binance Smart Chain (BSC), thì kể cả một thằng ngu mù công nghệ chịu khó google 30 phút, cũng có thể tạo ra một token dễ như bỡn, nhưng nếu chỉ có vậy thì nó đã không ra chuyện.
Một đồng tiền ảo muốn hoạt động và lùa gà thì cực kỳ cần thanh khoản, vì đơn giản không có ai giao dịch thì bán được cho ma à. Chính vì thế mà các con game NFT luôn quảng cáo rất kêu, được hậu thuẫn bởi các tổ chức lớn và có lộ trình rõ khủng. Nó đánh vào tâm lý tâm lý đám đông được gọi là Fear of missing out (FOMO) hay sợ bị bỏ lại phía sau, khi bạn thấy bạn bè hay người nổi tiếng ai cũng nói về cái con Game NFT thật lực, thì kể cả là không biết gì bạn cũng muốn bỏ tiền vào để hi vọng đổi đời và như vậy là bạn ăn kít cm nó rồi.
Ngay sau khi lùa được một số lượng gà tương đối, khiến cho cái coin rác méo có tí giá trị gì mà mình vừa tạo ra có thanh khoản, đám đứng sau con game NFT đó sẽ đồng loạt xả hết đồng coin mà chúng đang giữ để kiếm lời, để lại một đám đông ngơ ngác bị chia 5 chia 10 tài khoản đang gào khóc trong tuyệt vọng.

Chính vì lộ trình đơn giản và cách lùa gà rất dễ như vậy, nên cái trend game NFT giờ cực thịnh, kể cả những người nổi tiếng trên mạng cũng sẵn sàng bán rẻ danh dự và uy tín, đi quảng cáo hoặc tự mình làm ra một con game, để khi mà đám fan trung thành đã chui đầu vào hết thì lập tức xả hết lấy tiền – từ chuyên môn gọi là “úp bô kít”.
Nói đơn giản game NFT cũng như bao loại tiền ảo khác, nó hoạt động hoàn toàn dựa vào lòng tin là chính. Thị trường cần một thứ gì đó bảo đảm và số lượng người chơi ổn định để sinh lời, nhưng khi mà ai cũng chăm chăm mua token của game xong bán kiếm tiền rồi chuồn, thì bạn nghĩ làm sao game NFT có thể tồn tại? Tất nhiên không phủ nhận vẫn có những game NFT uy tín, nhưng tỉ lệ đó quá ít, còn ra đường toàn gặp bọn lừa đảo chỉ nhăm nhe úp bô bạn mà thôi (nhất là dân VN).
Vậy nếu các ông lớn nhảy vào thì sao
Giờ thì chắc bạn cũng hiểu tương đối về game NFT và cách thức nó hoạt động (lừa đảo) rồi, vậy thì nếu đã như vậy thì tại sao các ông lớn vẫn đang tìm cách đâm đầu vào? Câu trả lời là tiền thì không cần phải bàn rồi nhé, cái thứ hay quan trọng hơn chính là uy tín.
Giữa một thằng sinh viên Đông Lào lùa gà và một ông lớn nhất nhì ngành game, thì rõ ràng cái vế sau sẽ đáng tin cậy hơn hẳn. Giả dụ như Square Enix quyết định làm một game NFT dạng Final Fantasy Online, hay Konami là Yugi-Oh… thì hẳn là rất đáng để đầu tư tiền, vì tâm lý chung ai cũng nghĩ với những công ty lớn như vậy, bọn họ sẽ không mạo hiểm uy tín của mình để lừa đảo, cũng như có đủ khả năng, kinh nghiệm và tiền để duy trì game khiến nó sinh lời.
Thực tế thì các nhà phát hành đã bắt đầu làm rồi, thí dụ như STALKER 2 tính đưa NFT vào game nhưng đã phải hủy bỏ, hay như Konami mấy ngày trước vừa bán đấu giá mấy bản NFT để kỉ niệm sinh nhật 35 tuổi của Castlevania. Góc hư cấu tôi tin rằng không ai muốn bỏ qua cái thị trường quá béo bở này, vì nhìn anh Ê-Lông-Mút giàu nứt đố đổ vách như thế còn lâu lâu lên shill mấy cái shit-coin, nữa là những công ty game.
Game NFT hay không thì trên hết nó vẫn là game, tức là phải đủ hấp dẫn để người chơi thực sự ở lại, chứ không phải là ai cũng chăm chăm mua token chờ cao giá xong bán rồi quit. Điều này thực sự vô cùng khó, vì bản chất của con người là ham cái lợi nhỏ trước mắt, giả dụ bạn đã double được số tiền mình bỏ ra thì lại chả bán vội chứ hơi đâu mà giữ, cái này sẽ là thử thách thực sự cho các nhà phát hành.
Những ông lớn như kiểu như Sony mà làm ra một cái game NFT độc quyền cho PlayStation 5 mà xem, đó thực sự sẽ là một quả bom nguyên tử chứ không đùa. Năm 2022 sẽ vẫn là năm mà game NFT nở rộ, tôi thực sự mong chờ ai sẽ là người đánh phát chuông đầu tiên, cũng như một cái game NFT cho một đội ngũ thực sự chuyên nghiệp chỉ đạo nó sẽ trông như thế nào.
Kết
Bản thân Góc Hư Cấu tôi cực kỳ ghét mấy cái cụm từ có liên quan tới NFT, nhưng giữa cái dòng đời toàn lừa đảo với úp bô này, tôi vẫn muốn tin có một tia sáng nào đó mà hi vọng, mong muốn các nhà phát hành game lớn thực sự làm ra những sản phẩm chất lượng, chứ không phải đi lùa gà như bọn sux vat trên mạng.