Đánh giá

Thần Trùng: Game không hay nhưng Dũng CT thì hay

Nếu là một game thủ Việt Nam, thì kể cả bạn có đui, mù, điếc hoặc ngẫn ngọng… thì chắc chắn mấy ngày nay cũng phải biết tới cái tên Thần Trùng, khi nó được phủ sóng ở tất cả những chỗ mà con người có thể có mặt.

Nhưng theo Góc hư cấu tôi, thì Thần Trùng chỉ là một game kinh dị ở mức độ trung bình, không có gì đột phá và chơi xong cũng chẳng đọng lại gì, vốn dĩ nó nổi tiếng là vì nó là con của Dũng CT.

Cốt truyện – tại sao lại chọn Thần Trùng?

Là tựa game kinh dị lấy bối cảnh Việt Nam, nên không có gì lạ khi Thần Trùng sử dụng các truyền thuyết đô thị để làm nền cốt truyện. Thần Trùng là cái gì và nó thuộc về thuyết tâm linh nào, hầu hết người chơi đều không biết cho tới khi họ chạm vào cái game này. Thực ra cái đó cũng chẳng quan trọng lắm vì nhiều khi game còn phải biến tấu chán, nhưng vấn đề là Thần Trùng chẳng giải thích gì cả.

Sau khi chơi xong game, tôi có thể tóm gọn lại cốt truyện là nhân vật chính thuê một căn nhà bị ám, 3 người trong gia đình gồm bố mẹ và cô gái tên Linh đã chết, ứng với truyền thuyết trùng tang. Sau một hồi nhân vật chính đi mò mẫm, thì có thể kết luận là Linh với bạn trai yêu nhau, nhưng bố mẹ không đồng ý vì đã hứa hôn cho nhà khác giàu hơn, để rồi cuối cùng cặp đôi này tự tử cùng nhau luôn.

Do Linh chết nhưng oán niệm còn dẫn đến Thần Trùng xuất hiện, hại chết cả bố lẫn mẹ cô ta – vì lúc trước đã ngăn cản Linh và bạn trai. Thầy pháp được mời tới để trấn yểm cái xác này lại, để rồi về sau nhân vật chính tìm ra cách để giúp Linh siêu thoát >> hết chuyện.

Cốt truyện game nghe cũng vui tai nhỉ, chỉ phải cái là lúc vào trong thì khác hẳn, vì Thần Trùng phải nói là rất là nhạt và không tạo được tính nhất quán. Hầu hết các thông tin mà bạn có được trong game đều đến theo kiểu rất nhàm chán, ừ thì đồng ý là có mấy cái hồi tưởng với ghi chép, để biết là hai bố mẹ Linh muốn gả con đi lấy chồng giàu vì làm ăn thua lỗ, với lại còn ép cô ta uống thuốc để nghe lời…

Nhưng tiến trình Linh oán hận cha mẹ ra sao, lên kế hoạch tự tử thế nào, hoặc hoàn cảnh của nhị vị phụ huynh sau khi con mình qua đời, đặc biệt là lúc cảm nhận được sự xuất hiện của Thần Trùng… thì lại hoàn toàn thiếu sót. Tất nhiên game cũng cố tình để lại các ghi chép của gia đình này, nhưng nó quá thiếu sót hay đúng hơn là làm chưa tới.

Nếu như có những mảnh giấy nhàu nát dính máu, với những câu nói kích động điên cuồng, kiểu của những người đang tuyệt vọng sắp chết viết ra, thì sẽ khiến không khí của game “thật” hơn nhiều.

Hơn nữa game không có sự nhất quán, từ đầu khi nói về Thần Trùng là một con quỷ tra tấn linh hồn, thì ít nhất trong quá trình chơi game cũng phải cho thấy hình dáng, hay sự hiện diện của nó. Nhưng hầu hết văn bản trong Thần Trùng đều là kiểu in nguyên sách giáo khoa, thành ra chơi tới hết game tôi cũng chẳng rõ cái con Thần Trùng đó có gì nguy hiểm.

Sự thiếu nhất quán này còn nằm ở việc sử dụng tò he, ở đây tôi có thể hiểu là Thần Trùng thay vì dùng mấy con hình nhân vải kiểu kinh dị Trung Quốc, thì thay thế bằng tò he cho nó thuần Việt. Nhưng vấn đề là tại sao lại là tò he, vì đây là đồ chơi của trẻ con, hồi nhỏ tôi chơi nó dịp tết phải cả trăm lần rồi, mà chưa bao giờ nghe nói có người nào dùng tò he để yểm bùa hay làm gì tương tự cả.

Thần Trùng
Tò he, nhưng tại sao lại là tò he?

Có cảm giác Thần Trùng chỉ cố làm sao để nhồi nhét các yếu tố Việt Nam vào nhiều nhất, mà không quan trọng nó có đúng hay không. Thí dụ như địa chỉ nhà thuê nằm ở gần Trần Duy Hưng – chỗ này thì meme nổi tiếng quá rồi tôi không nói nữa.

Tiếp theo là đống quảng cáo với biển hiệu bên ngoài, ừ thì cũng hay đấy nhưng 90% thời lượng chơi là ở trong nhà, thành ra mấy cái đó chỉ có mục đích trang trí. Tức là Thần Trùng nó không tạo được cái không khí chung của game kinh dị, là khiến người chơi phải suy luận, mà nó ép luôn mọi thứ theo quy chuẩn game tuyến tính, chơi xong là xong luôn chả đọng lại gì cả.

Không thể gọi đây là game kinh dị thực sự được

Đầu tiên thì game kinh dị là game khiến người ta sợ hãi, phải co rúm người, giật nảy người hay thậm chí là quit luôn tại chỗ. Xét theo một nghĩa nào đó thì Thần Trùng đã làm được một vế đó là khiến người ta giật mình, nhưng là theo một cách thô thiển nhất là mấy pha Jump scare. Phải nói game quá lạm dụng cái này, tới mức chỉ ngay trong đoạn đầu chưa tới mười phút, tôi đếm cũng phải chục cái Jump scare đủ thể loại rồi, mà cái gì nhiều cũng nhàm.

Game gần như dựa hoàn toàn vào Jump scare để hù dọa người chơi, chứ không phải tạo ra không khí, hay các bí ẩn rùng rợn nào đó nhằm dẫn dắt họ. Thậm chí có những đoạn Jump scare nó thiếu đầu tư cực kỳ, khi đứng tơ hơ giữa đường không thể lộ liễu hơn. Theo tôi thì khi một game chỉ dựa vào Jump scare, thì đó là một game kinh dị thất bại.

Thần Trùng
Nhìn cái đống đen thui lui đứng kia có mù cũng biết là cái gì – Jump Scare đấy

Như đã nói ở trên Thần Trùng thiếu tính nhất quán, không chỉ ở cốt truyện mà còn ở lối chơi, vì có rất nhiều tình tiết gượng ép không liên quan cứ nhét vào theo kiểu lấy được. Có vẻ như đột ngũ phát triển đã học tập từ các game kinh dị mà họ từng chơi, nhưng không biết biến tấu sau cho phù hợp với không khí nên nó cực kỳ thô, giống kiểu đang ăn phở thì có ông bỏ mù tạt vào bát vậy.

Thí dụ như cảnh bồn cầu biến thành máu, đây là tình tiết xuất hiện đầy trong phim Trung Quốc. Hay việc bàn thờ đột nhiên có những chiếc mồm xuất hiện dày đặc, tôi không hiểu nó có liên quan gì tới game. Hoặc khung cảnh mấy con Manocanh di chuyển, thì cũng chẳng có liên quan quan gì tới cốt truyện ngoài việc Jump scare (lại) – cái này thì tôi không chắc là có phải học theo Condemned hay không.

Và game cũng chẳng có giải đố hay cái gì hay ho, đừng nói với tôi cái Tháp Hà Nội với xếp hình là giải đố, người ta cười cho. Nó giống kiểu đi từ điểm A tới điểm B, lướt chuột ở tất cả những chỗ có thể lướt được, thử hết tất cả item trong hòm đồ cho tới hết là chính.

Tức là game không tạo hay nói chính xác là không biến tấu được các màn hù dọa theo phong cách riêng, do đó phải lấy quá nhiều Jump scare để bù vào, có thể nhiều đến nỗi nhồi nhét loạn xị cả lên. Chơi Thần Trùng giống kiểu một con game làm người ta giật mình chứ không làm người ta sợ, vì nếu bỏ Jump scare đi thì sẽ rất khó để nói đây là game kinh dị – mà cái loại kinh dị tâm linh này lại là cái đáng sợ nhất.

Và đấy là tôi còn chưa nói tới chuyện lồng tiếng với thoại đấy, ừ thì thôi game nhân sự ít với cả hình ảnh gọi là đẹp, thì miễn cưỡng cho qua vụ này đi, coi như bạn đang coi phim Việt Nam trên VTV1 nơi ai cũng nói như kịch ấy là được. Cơ mà việc game lấy bối cảnh miền Bắc, mà nhân vật nói chuyện đôi lúc có từ miền Nam vào nghe nó rất là sượng, cái này chắc do tôi khó tính quá.

Thần Trùng không hay, Dũng CT mới hay

Giờ thì hãy cứ thẳng thắn với nhau đi, giả sử bạn là một game thủ không phải Việt Nam và cũng không biết Dũng CT là ai, thì liệu bạn có mua Thần Trùng hay không? Nói thực thì chưa xét tới cốt truyện hay lối chơi, mà chỉ riêng một đống bug, cơ chế điều khiển kì cục, không có save giữa màn…

Chỉ riêng việc ấn ESC nó không hiện ra menu, với lại muốn chỉnh cái gì là phải thoát ra menu và bị lại màn đó từ đầu, thì khối người đã muốn refund luôn rồi chứ đừng nói là kéo dài thêm. Mấy cái này thuộc về phạm trù tối ưu và tùy chỉnh cơ bản, những thứ mà quá nhiều người nói rồi, bạn đừng so sánh nó với mấy game AAA rồi xuề xòa cho qua, vì đây là cơ bản trong cơ bản phải làm được rồi.

Tất nhiên 75k cho Thần Trùng là một mức giá chấp nhận được, tức là nếu so sánh với hằng hà sa số game indie khác trên Steam, thì bạn có thể xếp đây là loại “chơi được” để giết thời gian, không phải quá khắt khe khi đã lỡ bỏ tiền ra mua.

Nhưng chắc chắn là Thần Trùng không phải game hay, cũng như nó không đủ tầm trở thành game mở đầu trào lưu hay làm nền móng gì cho làng game Việt Nam cả, trước Thần Trùng chúng ta đã có Toy Odyssey, Trianga’s Project (tôi cá khối người không biết tới game này) hay gần đây nhất là Hoa… chất lượng của chúng đều chỉ có hơn chứ không kém Thần Trùng đâu.

Với một game như Thần Trùng, thì DUT Studio cũng chẳng có mơ mộng kiểu viển vông là mình sẽ là người đi đầu, hay tạo nên tiếng tăm trên thị trường quốc tế, cái đó toàn là do nhiều fan tự hào dân tộc quá đà lên mà thôi. Vì đối với game thủ nước ngoài, Thần Trùng chỉ đơn giản là một trong hàng trăm game kinh dị mỳ ăn liền khác mà thôi.

Hoa – một game Việt cũng trên Steam

Vậy tại sao Thần Trùng lại nổi tiếng đình đám như vậy, rất dể hiểu là đến từ công sức quảng cáo và bơm thổi mấy năm qua, từ lúc nó còn chưa ra mắt tới khi có demo đầu tiên, nhưng cái chính yếu nhất vẫn là do nó đến từ Dũng CT. Sức hút của Streamer lớn nhất Việc Nam có cái giá của nó, vì chỉ riêng việc khi nhóm công bố sẽ làm Thần Trùng là cả giới báo chí đã lao vào đưa tin rồi.

Vậy nên không có gì là khi Thần Trùng vừa ra mắt, là hiệu ứng đám đông đã đẩy nó lên tới đỉnh rồi. Nói đúng ra DUT Studio không phải bán một tựa game, mà họ đang sử dụng danh tiếng sẵn có của mình, để khiến người khác mua game. Cái cốt lõi thực sự của Thần Trùng không nằm ở bản thân nó, mà nằm hết ở đội ngũ đứng sau hay nói đúng hơn là Dũng CT.

Tất nhiên điều này không có gì sai, vì danh tiếng cũng là một loại hàng hóa, thí dụ như các studio lớn như FromSoftware, Rockstar hay CD PROJEKT RED là điển hình. Mà quên nữa do Dũng CT ảnh hưởng quá lớn, cũng như cũng chẳng muốn ai bị fan của anh ta ném đá, nên hầu hết review trên web hay youtube đều là khen Thần Trùng tới nóc, khen đúng kiểu moi móc những cái nhỏ bằng hạt đậu ra để khen, ở thì cũng chẳng sai cơ mà nó cứ buồn cười thế nào ấy. Ở đây tôi chỉ muốn nói, Thần Trùng nổi tiếng không phải do nó hay, mà là do Dũng CT đã quá hay từ đầu.

Giả sử như Thần Trùng không được làm bởi DUT Studio, thì với từng đó bug và gameplay như vậy, khả năng cao nó sẽ bị ném đá tới chết, còn không thì cũng sẽ bị lãng quên nhanh chóng. HOA là một ví dụ, tất cả mọi thứ của tựa game đó hơn hẳn Thần Trùng, nhưng không bao giờ đạt tới độ nổi tiếng như vậy, đơn giản vì ê-kíp của nó không nổi tiếng bằng DUT Studio.

Vậy nên Thần Trùng chắc chắn không phải là game hay, mà Dũng CT mới là người hay. Dù sao thì trong thời đại này, đôi khi quảng cáo và Streamer mới là thứ quyết định doanh số, chứ chả phải là chất lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *