Cần lưu ý là bài hát trong game chứ không phải soundtrack hay nhạc nền nhé, nhiều ông cứ nói tới “song” là y như rằng toàn lôi nhạc nền ra.
Lúc trước Góc hư cấu có nghe được một câu nói rất chí lý, đó là có những bài hát mang giai điệu rất hay, nghe rất tuyệt vời nhưng lời của nó hoàn toàn là sự kinh dị, nó cho thấy là lỗ tai của bạn nhiều khi chỉ giỏi đánh lừa bạn mà thôi.
Khi viết bài này thì tôi lại đang nghe Alone Again (Naturally) của Gilbert O’Sullivan, giai điệu của nó rất nhẹ nhàng, rất dễ nghe và thật là sâu lắng, kiểu như thích hợp để ngồi ngân nga một mình vậy.
Ờ đó là cho tới khi bạn nhận ra cái bài hát này toàn nói về chết chóc, trầm cảm và tự tử, đỉnh cao nhất là trường đoạn cuối cùng có câu “vào ngày mà mẹ qua đời, tôi chỉ biết khóc rất nhiều… một mình, lại một mình lần nữa… thật hiển nhiên làm sao”.
Các bài hát trong game cũng vậy, đôi khi chúng có giai điệu thật tuyệt đỉnh và đáng nhớ, nhưng lời thì toàn là chết chóc với kinh dị. Hãy lục lại cái playlist của bạn với Góc hư cấu, để xem trước giờ mình đã nghe thứ gì nhé.
Soviet March – Red Alert 3
Lúc trước tôi có nói vẩn vơ về các ý đồ được cài cắm trong tựa game Red Alert về đá đểu chính trị, dễ nhận thấy nhất là phe Đồng Minh luôn là “thiện”, còn bên Xô Viết luôn là những kẻ độc ác phản diện. Cho tới khi phần 3 ra đời, thì vai kẻ ác lại được chuyển giao cho Đế quốc mặt trời mọc – hay nói thẳng ra chính là parody của Phát xít Nhật ấy, nhưng không vì thế mà Xô Viết thoát nạn đâu.
Có thể bạn chưa từng chơi Red Alert 3, nhưng hẳn là đã từng nghe bài hát của nó với là Soviet March, vì đây là thứ vô cùng nổi tiến và được dùng làm meme phải hàng ngàn lần. Soviet March có nhạc và lời hoàn toàn bằng tiếng Nga, vô cùng hùng tráng và đậm chất sử thi, nghe mà rạo rực hết cả người.
Mà cũng do lời hát bằng tiếng Nga, nên rất nhiều người hiểu sai và một phần đông còn tưởng đây là một bài hát chính thống ngoài đời – có thể bạn méo biết, nhưng VTV của chúng ta từng phát nhầm Soviet March khi tường thuật duyệt binh Nga trong năm 2015 đấy.
Thực sự thì Soviet March là một bài hát trong game để đá đểu phe Xô Viết, như bạn biết thì trong phần 2 Xô Viết đã tuyên chiến với Đồng Minh mà không báo trước, với mục đích là phủ sắc đỏ toàn thế giới. Còn Đồng Minh thì ngạc nhiên chưa, trong cả phần 2 và phần 3 đều đóng vai lực lượng công lý, giữ gìn hòa bình cho thế giới.
Phần 3 này mục đích của nó vẫn tương tự như vậy, lời bài hát là một đoạn điệp khúc ngắn lặp đi lặp lại, nói về việc gấu Nga chuẩn bị nuốt cả thế giới và nếu mày có bị Sô Viết nướng thành tro bụi, thì đó cũng là sự ban phúc từ cường quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Sovet March còn là easter egg trong Battlefield 4, một bài hát sặc mùi tự sướng và chửi đểu từ các đồng chí Tây Lông dành cho Nga Ngố, bất chấp việc nhạc nghe rất hùng tráng, nhưng ai biết tiếng Nga có lẽ chỉ muốn đấm vỡ mồm nhạc sĩ cho rồi. Đây có lẽ là thứ duy nhất mà EA làm tốt, sau khi mua lại Red Alert và tự tay bóp chết cụ nó luôn.
Still Alive – Portal
Portal là game giải đố hành động, sai rồi nó là game kinh dị tâm lý, bạn không đồng ý với tôi sao, vậy thì thử chơi nó đi và gặp gỡ GlaDOS rồi chúng ta nói chuyện tiếp nhé.
GlaDOS có thể xem như một dạng phản diện vô cùng độc đáo, vì nó thông minh, tàn nhẫn và đặc biệt là vô cùng hài hước. Con AI tâm thần này rất thích thú với việc chơi đùa cùng trí não của nhân loại, đặc biệt là với giọng nói máy đều đều không chút cảm xúc càng khiến nó trở nên đáng sợ hơn nhiều.
Trong phần một của Portal, nhiều người tưởng chừng GlaDOS đã chết tan xác khi lộ mặt thật và muốn giết nhân vật chính. Nhưng trong đoạn credit sau đó, một đoạn nhạc vang lên và chúng ta lại thấy cái giọng hát của chính GlaDOS, bài hát đó có tên là “Still Alive”, thế nên không cần nói cũng biết con quỷ máy này vẫn sống nhăn.
Still Alive có giai điệu vui tươi nhẹ nhàng và tương đối bắt tai, nhưng nếu bạn để ý kĩ lời của nó, sẽ thấy đây giống như một phần tự sự của GlaDOS về hành trình trong game, cũng như việc nó không hề giận dữ bất chấp việc bị bỏ rơi, bị xé toạc và bị cho nổ tan xác bởi chính người chơi.
“Mặc dù anh đã bóp nát tim em, giết chết em, xé em thành mảnh vụn rồi quăng vào lửa, nó làm em đau đớn đốt cháy em… nhưng em vẫn hạnh phúc”. Một đoạn trong bài hát đó, nghe khá giống thơ tình nhỉ, nhưng cứ chờ đấy đi.
Trong đoạn điệp khúc cuối, GlaDOS sẽ lặp lại 2 câu, đó là dù nhân vật chính đang chết dần thì nó vẫn sống, dù nhân vật chính có xanh cỏ thì nó vẫn sống… vẫn sống mãi mãi. Bài hát trong game này nghe xong một lần là đủ nổi da gà, nó khắc họa rõ ràng nhất tính cách của GlaDOS, một cái máy tàn nhẫn, độc ác nhưng lại thông minh và rất hài hước, một nhân vật đỉnh cao nhất mà làng game từng tạo ra.
Build Our Machine – Bendy and the Ink Machine
Thực tế Build Our Machine không phải là bài hát trong game chính thống của nhà sản xuất, nó do fan sáng tác và biểu diễn. Nhưng về sau đội ngũ của Bendy and the Ink Machine đã vô cùng ấn tượng, tới nỗi công nhận và cho tuyệt tác này vào trong game, xuất hiện như một bản nhạc gốc thực sự.
Nếu bạn không biết thì Bendy and the Ink Machine là một game kinh dị khá xoắn não, Góc hư cấu sẽ không thể nói hết ra ở đây, chỉ tóm tắt là game nói về những con quái vật tạo nên từ mực, một dạng quỷ dữ sống trong tâm trí để giết chết con người. Build Our Machine được viết ra dưới góc nhìn của Bendy, linh vật của xưởng làm hoạt hình và cũng là nhân vật phản diện chính trong game.
Build Our Machine là một bản nhạc sôi động, bắt tay và nếu bỏ qua phần lời, thì bạn sẽ nghiện nó lúc này không biết. Đây cũng là một bài hát trong game tóm tắt lại quá trình chơi, cho những ai chưa hiểu hết cốt truyện, với góc nhìn của Bendy về hành trình của nhân vật chính.
Nhân vật chính cũng là người từng làm việc tại xưởng phim hoạt hình, gián tiếp tạo ra các nhân vật như Bendy, nhưng ông ta đã rời đi 30 năm trước. Khi Bendy “sống lại” nhờ chiếc máy in, nó đã gọi nhân vật chính là kẻ phản bội, điệp khúc của bài hát rất khủng khiếp đó là “sửa lại chiếc máy cho ta, rồi ngươi sẽ chết tối nay”, nó lặp đi lặp lại nhiều lần với cường độ cực nhanh.
Câu nói “ngươi sẽ chết tối nay” thực sự chính xác 100% trong game, vì nhân vật chính bị kẹt trong một vòng lặp vĩnh cửu, liên tục đi vào xưởng phim, bị Bendy săn đuổi rồi và giết chết. Nếu như bạn nghe xong Build Our Machine và chơi tới cuối cùng, sẽ thấy vô số các đánh dấu, cho thấy nhân vật chính đã bị giết hàng trăm lần, sống lại và kẹt trong cái vòng lặp vô tận với Bendy.
Build Our Machine là ví dụ cho một bài hát trong game nghe siêu hay, nhưng lại vô cùng hãi hùng và ám ảnh. Góc hư cấu tôi khuyên bạn nên chơi Bendy and the Ink Machine và nghe nó, để có một trải nghiệm chắc chắn là nhớ đời, nhiều khi buổi tối đi ngủ nghĩ lại lời bài hát, sợ tới mức mắc tè mà không dám dậy luôn ấy.
Diamonds In My Heart – Chocobo Racing
À mà nói mãi về những thứ kinh dị, thì để kết bài và đổi không khí, hãy đến với âm nhạc nhẹ nhàng của tuổi thơ nào. Thời điểm những năm đầu 2000 lúc SquareSoft còn chưa đổi tên, bọn họ có cả tấn những bài hát trong game siêu hay (lại một lần nữa “bài hát” chứ không phải nhạc nền), đặc biệt là những bài hát của game dành cho trẻ em, nhưng lời lẽ thì chắc chắn là không.
Ban đầu Góc hư cấu tôi tính lựa chọn Simple and Clean của Kingdom Hearts, vì khi chơi đến đoạn ending và nghe thấy nó, tôi đã xúc động phát khóc lên được mặc dù khi đó còn chả hiểu Utada Hikaru hát cái gì. Nhưng về sau lớn lên biết chút ít tiếng Anh, thì lại thấy giai điệu với lời của bài hát này chả ăn nhập gì với nhau, nên quyết định chọn Diamonds In My Heart trong Chocobo Racing.
Mặc dù Chocobo Racing – hay Đua xe gà là game được chơi đầy rẫy ngoài các tiệm PS1, nhưng hiếm có ai chọn phần story của nó mà toàn mở máy đua với bạn bè cho nhanh, thành ra bài Diamonds In My Heart không nổi tiếng cho lắm. Đây là một bài hát khá kì lạ, vốn dĩ nó sẽ là một thứ dành cho trẻ con, nhưng giai điệu của “Kim cương trong tim tôi” lại rất buồn và khắc khoải.
Diamonds In My Heart giống như một lời tự sự và mong nhớ về kí ức, về những kỷ niệm mà chúng ta đã bỏ lỡ khi lớn lên, về những người bạn đã ra đi mãi mãi không bao giờ gặp lại. Nói theo một cách nào đó thì nó cũng giống như tuổi thơ vậy, chẳng bao giờ níu kéo được, nhưng vẫn cứ sống mãi trường tồn như những viên kim cương trong tim chúng ta.
Phải nói đây là một trong những bài hát trong game dễ làm người ta khóc nhất, đặc biệt là trường đoạn “see you again” ở cuối cùng, đặc biệt gây xúc động mạnh cho những ai hoài cổ. À mà nói đi cũng phải nói lại nhạc nhẽo của Square sau khi Nobuo rời đi nghe nặng tính công nghiệp như mỳ ăn liền 5k/gói, hoặc có thể đó là do tôi hơi cực đoan quá.