Trong các bài viết trước về cốt truyện Elden Ring, các bạn đã hiểu sơ bộ về tổng quan thế giới và các kết thúc, hôm nay Góc hư cấu sẽ nói về tuyến nhân vật Demi-God.
Những Demi-God (bán thần) hầu hết đều là con của nữ hoàng Marika với 2 người chồng là Godfrey và Radadon, xét theo lý thuyết thì bọn họ đều là anh em ruột thịt với nhau. Nhưng thay vì đoàn kết và yêu thương, thì những người này chỉ chăm chăm tiêu diệt luôn đi cho gọn.
Đại chiến The Shattering tuy là do các Demi-God mở màn, nhưng không phải người nào cũng có hứng thú với việc trở thành Elden Lord, phải đến phân nửa có kế hoạch riêng của mình theo nhiều cách khác nhau. Hãy cùng Góc hư cấu tìm hiểu về từng Demi-God một nhé.
Lưu ý: Về Lunar Princess Ranni thì các bạn hãy đọc bài các kết thúc của game, Góc hư cấu đã viết khá rõ về nhân vật này.
Godrick the Grafted
Hãy nói về Demi-God đầu tiên mà các bạn đụng độ, cũng là kẻ yếu nhất trong số các Demi-God trong cốt truyện Elden Ring – Godrick the Grafted. Thực tế Godrick không phải con của nữ hoàng Marika, mà ông ta chỉ là họ hàng xa với Hoàng gia mà thôi.
Godrick thì lại rất tự hào về xuất thân của mình, thường xuyên tự nhận bản thân là vị chúa mang dòng máu Hoàng kim – ám chỉ những nhân vật cao quý có xuất thân từ cây thần Erdtree. Một điều nữa là cái tên hiệu Godrick the Grafted mang ý nghĩa tốt đẹp gì, vì từ “grafted” nhằm ám chỉ việc cấy ghép, giống như cách mà Godrick mang cả đống bộ phận cơ thể kì dị trên người mình.

Do không phải là dòng dõi chính tông, nên sức mạnh của Godrick thua kém các Demi-God còn lại rất nhiều. Đó là chưa kể Godrick đã yếu mà còn cực kì hèn, có rất nhiều câu chuyện ghi lại sự yếu đuối của Demi-God này trong cốt truyện Elden Ring, trong đó có 2 sự tích nổi tiếng nhất. Một là Godrick đã từng phải cải trang thành phụ nữ để chạy khỏi General Radahn, đúng nghĩa là vắt giò lên cổ mà trốn.
Sự tích thứ 2 thậm chí còn nhục nhã hơn, đó là Godrick không hiểu nghĩ gì đã thử cách tán tỉnh Malenia, dẫn đến một trận đấu sinh tử với nữ kiếm sĩ này. Kết quả là Malenia đập cho Godrick bò lăn ra đất, nhưng trong giây phút cuối cùng thì vị Demi-God này đã van xin được sống, hoàn toàn không có chút tôn nghiêm nào. Khi chơi game bạn có thể thấy Godrick cũng là một bạo chúa không được lòng dân, vì sau khi ông ta chết đã bị một thuộc hạ dẫm lên xác mà chửi.

Đến cả quân lính của Godrick cũng là lính đào ngũ chạy từ thủ đô Leyndell xuống, nhìn chung Demi-God này thảm hại theo cách tột bậc rồi. Chính vì vậy mà trong cốt truyện Elden Ring, Godrick thèm khát sức mạnh tới phát điên, ông ta giết những Tarnished và dùng xác của họ để ghép vào cơ thể. Godrick cũng thử cả trên xác những con rồng, vì rồng từng là kẻ thống trị The Lands Between rất lâu trước đây.
Con Grafted Scion mà bạn gặp lúc đầu, chính là thí nghiệm của Godrick trong việc ghép các xác chết lại với nhau. Trong tầng hầm lâu đài Stormveil, chúng ta có thể thấy hàng đống chân tay và xác chết mắc lúc lỉu trên trần nhà, đó chính là những gì còn lại của các Tarnished bị giết chết. Godrick rất sùng bái Godfrey, nhưng đáng tiếc là không bao giờ được như vị Elden Lord đầu tiên này cả.

General Radahn
Demi-God được game thủ hâm mộ nhất và cũng là người mạnh nhất trong số các Demi-God, trong cốt truyện Elden Ring thì General Radahn được xưng tụng là chiến thần bất bại. Từ nhỏ ông ta đã hâm mộ Godfrey và luôn tìm cách bắt chước thần tượng của mình, bộ giáp của Radahn có hình sư tử chính là để phỏng theo phong thái của Godfrey.
Radahn là một người giỏi cả về chiến đấu lẫn phép thuật, ông ta có khả năng thao túng trọng lực, mạnh tới nỗi đủ để nhốt một ngôi sao làm của riêng mình. Theo thời gian cơ thể của Radahn ngày càng đồ sộ hơn, vốn dĩ là không có vật cưỡi nào vừa cho vị tướng này, nhưng Radahn không muốn bỏ rơi chú ngựa chiến yêu dấu, nên đã tự sử dụng phép thuật để làm giảm trọng lượng bản thân, nhằm có thể tiếp tục cùng chiến đấu cùng đồng bạn mình.

Khi đại chiến The Shattering diễn ra, General Radahn là Demi-God khai chiến hăng hái nhất. Cuộc đụng độ giữa ông ta và Malenia the Severed cũng là trận chiến nổi tiếng nhất cốt truyện Elden Ring, theo như kể lại thì Radahn và Malenia giao chiến rất nhiều nhưng đều bất phân thắng bại.
Thực tế thì trong lần giao đấu cuối cùng, Radahn đã đánh cho Malenia thiếu điều ngất xỉu tại chỗ, cuối cùng Malenia đã dùng chiêu bẩn tự đâm vào người mình, nhằm khiến máu độc nhiễm Scarlet Rot lan sang người Radahn. Chất độc này sau đó lan khắp vùng Caelid, biến nơi đây thành những vùng đầm lầy đỏ như máu, nhiễm đầy Scarlet Rot chết chóc.

Chất độc này chưa thể giết chết được Radahn, nhưng nó từ từ bào mòn tâm trí của ông, biến vị đại tướng này trở thành một con quái vật mất hết lý trí, lang thang trong những sa mạc tại Cealid, giết bất kì ai bắt gặp không phân biệt bạn thù, sau đó ăn xác họ như một con thú hoang tởm lợm.
Những thuộc hạ của Radahn không nỡ nhìn đại tướng của mình như vậy, nên đã tổ chức ra Rahdan Festival, nhằm giải thoát cho ông và giúp Radahn chết như một chiến binh thực thụ. Độ ngầu của Radahn là khỏi cần nói, có lẽ đây là Demi-God chính trực và anh dũng nhất trong toàn bộ cốt truyện Elden Ring.

Praetor Rykard
Là em trai gần nhất của General Radahn, nhưng Rykard lại không được hưởng chút xíu nào nhân cách chính trực như anh mình, mà vị Demi-God này chỉ toàn dính liền với tiếng xấu. Trong cốt truyện Elden Ring thì Rykard trị vì tại vùng đất núi lửa phía Tây Bắc, Demi-God này nổi tiếng với việc chiêu dụ các Tarnished về dưới trướng của mình, nhằm chống lại ách thống trị của Erdtree.
Vốn Tarnished là những kẻ đã bị ánh sáng hoàng kim của Erdtree ruồng bỏ, mất đi vị trí tại The Lands Between và bị khinh rẻ, do đó đã có rất nhiều người tìm đến Rikard. Hành động này của Rikard bị những người đi theo Erdtree và hội Golden Order xem là báng bổ, do đó đã có rất nhiều cuộc chiến nhằm lật đổ Rykard, do đó khi di dọc Gelmir chúng ta có thể thấy hàng đống xác chết chính là hậu quả của những cuộc viễn chinh này.

Rykard cùng với bạn đời của mình là công nương Tanith sống tại dinh thự trên miệng núi lửa, Tanith cũng lãnh nhiệm vụ chiêu mộ những Tarnished gia nhập vào gia tộc của Rykard. Bằng cách giao cho họ đi ám sát những Tarnished chống đối, để giúp cho công cuộc kháng chiến trở nên hoành tráng hơn. Nhưng thực tế tất cả cái vỏ bọc hào nhoáng đó, chỉ để che đậy sự thật rằng Rykard là một kẻ hèn nhát và yếu đuối.
Vào đêm của những con dao đen trong cốt truyện Elden Ring, khi Godwyn the Golden bị giết, ngoài Lunar Princess Ranni là kẻ chủ mưu đứng đầu, thì Rykard cũng góp phần. Khi mọi việc thành công, Ranni đã tặng cho anh trai mình một thứ có tên Blasphemous Claw – nó có khảm một mảnh nhỏ của Rune of Death lên trên, nhằm giúp Rykard có thể chống lại Maliketh, nếu một ngày nào đó Rykard thực sự muốn thách thức cái chết tuyệt đối.

Nhưng Rykard đã không dám làm gì cả, ông ta sợ hãi Maliketh, sợ hãi kẻ nắm trong mình quyền năng có thể giết chết các Demi-God, do đó Rykard phải tìm cách tự tăng sức mạnh bản thân. Rykard đã lập khế ước với một con mãng xà khổng lồ, hợp thể với nó thành dạng quái vật như chúng ta đã thấy. Sức mạnh của mãng xà lớn lên tỉ lệ thuận với những gì mà nó ăn được, do đó Rykard đã nghĩ ra trò khởi nghĩa chống lại Erdtree, để dụ các Tarnished làm thức ăn cho ông ta.
Trong gian phòng nơi con mãng xà nằm ngủ, có thể thấy hàng đống xác chết đã bị nó ăn thịt, kể cả cây kiếm của Rykard cũng là xây nên từ xương cốt của những kẻ xấu số. Những Tarnished như nhân vật chính, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ám sát, sẽ được công nương Tanith dẫn tới gặp đức ngài Rykard, thực chất là đưa họ vào chỗ chết làm đồ ăn cho Rykard mà thôi.

Trong hình dạng mãng xà, Rykard đã thử tự ấp trứng để tạo ra các hậu duệ cho riêng mình, nhưng đáng tiếc thành quả chỉ là những sinh vật nửa người nửa rắn kinh tởm, Rya cũng là một trong những đứa con của ông ta. Thực tế Rykard là kẻ hèn nhát và có phần tội nghiệp, vốn dĩ không có đủ sức mạnh để tranh giành với các Demi-God còn lại.
Rykard và vợ mình công nương Tanith có tình cảm rất sâu đậm, bọn họ gặp nhau khi Tanith còn là một vũ công nước ngoài, sau đó bà ta đã trở thành vợ của Rykard. Tanith yêu và trung thành với Rykard vô điều kiện, bà là con người duy nhất còn ở lại khi Rykard biến thành dạng mãng xà. Trong cốt truyện Elden Ring thì hai vợ chồng này có nói mãng xà là sinh vật bất tử, nên không loại trừ Rykard sẽ hồi sinh trong các bản DLC tới.
Morgott, the Omen King và Mohg, Lord of Blood
Sở dĩ Góc Hư Cấu xếp hai Demi-God này lại cùng một mục, vì bọn họ là anh em sinh đôi, giống như cặp Malenia và Miquella. Morgott và Mohg là con của nữ hoàng Marika và Godfrey, nhưng khác với các Demi-God còn lại, hai người này là các Omen – hay những đứa trẻ mang tới điềm gở trong cốt truyện Elden Ring.
Omen là những sinh vật giống như con người, nhưng có những phần sừng mọc tràn lan bên ngoài cơ thể, chúng bị xem là thứ đem tới xui xẻo và bị mọi người xa lánh. Các Omen sẽ bị cắt bỏ toàn bộ sừng trên cơ thể ngay từ khi sinh ra, nhưng nếu như chúng là thành viên Hoàng gia như Morgott và Mohg thì sẽ không phải nỗi đau xác thịt, bù lại sẽ bị nhốt bên dưới thủ đô Leyndell suốt đời.

Khi chơi game thì hẳn các bạn cũng đã từng đi xuống đường cống ngầm bên dưới Leyndell, đó từng là nơi giam giữ Morgott và Mohg, cũng như còn một cái tàn ảnh của Mohg tồn tại. Nhưng bất chấp bị ruồng bỏ như vậy, Morgott vẫn dành một tình yêu vô bờ bến cho cha và mẹ của mình, ông ta tự mình thoát ra khỏi cống ngầm, chứng tỏ bản thân và trở thành người bảo vệ cho cây thần Erdtree.
Khi đại chiến The Shattering diễn ra, Morgott không tham gia để tranh dành các mảnh Great Rune hay có âm mưu riêng như những anh chị em của mình, mà ông ta ở lại gần ngai vàng Erdtree, trở thành người bảo vệ cho cái lõi của nó. Morgott trở thành nỗi kinh hoàng với những kẻ muốn trở thành Elden Lord, tương truyền ông ta đã giết chết hàng ngàn Tarnished khi vừa đặt chân xuống The Lands Between. Con trùm Margit the Fell Omen mà bạn gặp lúc đầu, chính là Morgott dịch chuyển tới để tiêu diệt các Tarnished dám băng qua thành Stormveil, con đường ngắn nhất dẫn tới thủ đô.
Nhưng đáng buồn là tình cảm của Morgott dành cho Erdtree đã không được đáp lại, khi Marika thì đang bị giam, còn cha của ông ta Godfrey thì mãi về sau mới trở về. Morgott là một Demi-God cô độc trung thành, ông ta căm ghét các Demi-God còn lại và gọi bọn họ là những kẻ phản bội đáng khinh.

Mohg là em trai song sinh của Morgott và giống như anh mình, Demi-God cũng bị nhốt dưới lòng đất thủ đô Leyndell. Mohg về sau cũng thoát ra khỏi đó và có được một mảnh Great Rune khi Elden Ring vỡ vụn, nhưng dã tâm của Mohg không chỉ dừng lại ở việc trở thành Elden Lord, mà ông ta còn muốn tự mình trở thành Chúa như nữ hoàng Marika.
Mohg đã liên lạc được với một Chủ thần bảo hộ cho mình, có tên là Formless Mother trong cốt truyện Elden Ring, tuy vậy bản thân Mohg lại không phải là Empyreans để đủ tư cách trở thành Chúa. Tuy vậy ông ta vẫn có thể trở thành bạn đời của một Empyreans, qua đó mượn sức mạnh từ Formless Mother. Mohg muốn xây dựng nên đế chế riêng của mình, thực tế nó đã được đặt tên là Mohgwyn với căn cứ đặt bí mật dưới lòng đất.

Đế chế của Mohg cũng thu hút được một số tín đồ kha khá, bọn họ tôn sùng máu và các nghi lễ hiến tế. Nó cũng chính là ngọn nguồn sức mạnh của Mogh, vì quyền năng của Formless Mother cho phép ông hấp thụ, hoặc truyền máu của mình sang một sinh vật khác. Hầu hết trong cốt truyện Elden Ring, chúng ta sẽ rất ít thấy sự hiện diện của Mohg, vì ông ta đang phải làm việc quan trọng hơn, đó là tìm kiếm một Empyreans.
Trong lúc Malenia đi đánh nhau với Radahn, Mohg đã lẻn đi bắt cóc Miquella và đem cậu ta về căn cứ bí mật của mình, lý do vì hai anh em bọn họ đều là Empyreans. Mục đích của Mohg là tìm cách nuôi Miquella đến dạng trưởng thành, qua đó thông qua Empyreans này để nhận lấy sức mạnh từ Formless Mother, khi mình là bạn đời của Miquella. Mohg đã tự biến mình thành máu, truyền thẳng vào cơ thể Miquella, nuôi cậu ta trong một cái kén với hi vọng một ngày nào đó, Miquella sẽ thức tỉnh.

Tuy vậy bất chấp các nỗ lực của Mogh, Miquella vẫn không hề có dấu hiệu tỉnh lại và cứ nằm đó như đã chết. Nhiều người cho rằng Mogh đã giết chết Miquella từ trước, nhưng thực tế Miquella vốn luôn luôn ngủ say trong lõi của cây Haligtree, nên Demi-God này có thể chỉ đang chờ đợi cho tới khi tỉnh lại mà thôi.
Mogh về sau bị nhân vật chính giết chết, với giấc mơ dang dở về đế chế Mohgwyn của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Malenia the Severed và Miquella
Trong cốt truyện Elden Ring, thì cặp sinh đôi Malenia và Miquella được sinh ra bởi Mirika và Radagon – tức hai nửa nam và nữ trong cùng một thực thể. Do được sinh ra từ một vị thần duy nhất, nên Malenia và Miquella đều là Empyrean, cũng như được lựa chọn với vai trò ứng viên kế vị cho nữ hoàng Marika.
Đáng tiếc là cặp sinh đôi này đã phải lãnh chịu những lời nguyền chết người ngay từ khi sinh ra, Malenia nhiễm độc Scarlet Rot, nó làm cho cơ thể cô ta thối rữa từ bên trong, khiến cho Malenia mất đi một tay và một chân. Về phần Miquella mắc một lời nguyền kì lạ hơn, khi vĩnh viễn ở trong hình hài một đứa trẻ.

Cả Marika lẫn hội Golden Order đã sử dụng đủ các loại phép thuật và thuốc để chữa cho cặp song sinh này, nhưng nó đều không có tác dụng. Miquella về sau đã quyết định bỏ đi để tự tìm cách giải thoát cho em gái mình, cậu ta lấy một hạt giống của Erdtree đi lên phía bắc, trồng nó xuống và tạo ra cây Haligtree. Miquella tự lấy mình làm lõi Haligtree, ngày đêm nghĩ cách giải thoát cho Malenia.
Thực tế lời nguyền Scarlet Rot của Malenia là do một Chủ thần chưa rõ tên tạo ra cho cô, mặc dù nó khiến cho cơ thể Malenia thối rữa, nhưng cũng cho cô sức mạnh mới. Với mỗi lần trúng độc Scarlet Rot nặng thì Malenia sẽ nở hoa, sau 3 lần như vậy thì bản thân Malenia sẽ nhận được sức mạnh hoàn chỉnh từ Chủ thần, để trở thành Chúa hoàn hảo, đáng tiếc là trong cốt truyện Elden Ring cô ta chỉ mới nở hoa được 2 lần.

Do Miquella rất yếu đuối và không có khả năng tự bảo vệ, nên Malenia lúc nào cũng theo sát anh trai và tự gọi mình là thanh kiếm của Miquella. Trong cốt truyện Elden Ring, Malenia được biết tới với danh hiệu nữ kiếm sĩ chưa bao giờ biết đến mùi chiến bại. Khi đại chiến The Shattering xảy ra, Malenia đã dẫn các hiệp sĩ của mình giao đấu với quân của General Radahn, trận đánh này được ghi lại với kết quả hòa.
Trên thực tế Malenia đã thua Radahn, trong thời khắc cuối cùng cô ta đã tự đâm vào người mình, để máu chứa Scarlet Rot trào ra ngoài nhằm hạ độc Radahn. Bản thân Malenia đã ngất xỉu ngay sau đó, nhưng các hiệp sĩ của cô ta đã mở đường máu và đưa chủ nhân của mình về Haligtree an toàn. Riêng đội quân các Cleanrot Knight của Malenia thì vô đối thực sự, khi họ chưa từng thua bất kì một lần nào từ khi The Shattering diễn ra.

Khi Malenia trở về thì Miquella đã bị Mohg bắt đi mất, cô tuyệt vọng nằm lại bên trong cây Haligtree, mong chờ một ngày anh trai mình trở về. Trong cốt truyện Elden Ring thì chúng ta không thấy mặt Miquella, chỉ biết được Demi-God này thông qua lời kể và ghi chép lại mà thôi. Nhưng Malenia từng nói, anh trai mình là Empyrean có sức mạnh và quyền năng nhất, vượt trên mọi Demi-God khác.
Sức mạnh của Miquella không đến từ vật chất đơn thuần, mà cậu ta sở hữu khả năng khiến sinh vật phục tùng mình. Các Cleanrot Knight đi theo cặp sinh đôi này với lòng trung thành vô bờ bến, bất chấp việc càng ở lại bên Malenia lâu, thì họ cũng sẽ nhiễm Scarlet Rot càng nặng. Miquella có khả năng gần giống như tẩy não, để khiến bất kì ai tiếp xúc cũng cảm thấy có thiện cảm với cậu ta. Nếu bạn để ý thì trên mũ của các hiệp sĩ Haligtree, đều có một vòng vàng làm từ các nhánh cây đặc biệt, đó là lý do họ trung thành tới vậy.

Để chữa khỏi lời nguyền Scarlet Rot cho em gái mình, Miquella đã chế tạo ra một thứ giống như cây kim khâu, nó có tác dụng bỏ đi tất cả lời nguyền cũng như sức mạnh từ các Chủ thần, như vậy Malenia sẽ không phải chịu đựng Scarlet Rot nữa. Đáng tiếc là mọi thứ còn chưa hoàn thành, thì Miquella đã bị Mohg bắt đi, còn cây kim khâu này cũng bị thất lạc, về sau nó được nhân vật chính sử dụng, để gỡ ban phúc từ Lord of Frenzied Flame (Three Fingers) khỏi cơ thể.
Malenia cũng có các hậu duệ khác, tất cả đều là nữ và cùng chịu đựng lời nuyền Scarlet Rot, trong đó có thể kể đến Millicent mà người chơi gặp trong quá trình khá phá thế giới. Trong cốt truyện Elden Ring thì không rõ các hậu duệ này, là em gái, con gái hay một bản sao khác của Malenia, nhưng bọn họ đều có ý chí phải trở về Haligtree rất mạnh mẽ, để giúp đỡ bản thể chính của mình.

Kết
Và đó là tiểu sử các Demi-God trong cốt truyện Elden Ring, hi vọng nó sẽ giúp các bạn hiểu thêm về bọn họ, cũng như cuộc đời từng người.