Cốt truyện game

Cốt truyện Elden Ring: Giải thích các kết thúc của game

Ở bài viết cốt truyện Elden Ring trước, Góc hư cấu đã nói về tổng thể những gì diễn ra trong game, giờ thì hãy tới một thứ quan trọng khác đó là các kết thúc.

Trong cốt truyện Elden Ring thì nếu tính tổng cộng sẽ có khoảng 6 loại kết thúc, nhưng thực tế là được chia ra làm 3 mục chính, ứng với 3 kết thúc chính. Tùy theo nhân vật chính Tarnished lựa chọn trở thành Elden Lord, đi theo Three Fingers hay trở thành bạn đời của Ranni.

Bạn cũng có thể tìm hiểu về tiểu sử các Demi-God tại bài viết này, để hiểu rõ hơn về các tuyến nhân vật trong game.

Tóm tắt cốt truyện Elden Ring

Đầu tiên chúng ta hãy điểm lại một chút về sơ bộ cốt truyện game, để nắm được quá trình từ đầu khi nhân vật chính Tarnished được gọi trở về The Lands Between, cũng như mục đích của việc trở thành Elden Lord. Về cơ bản nếu chỉ đi theo một đường thẳng, bỏ qua tất cả các nhiệm vụ phụ hay boss ẩn, thì con đường để trở thành Elden Lord khá là đơn giản, có thể tóm gọn như sau.

– Các Tarnished nghe lời gọi trở về The Lands Between, nhân vật chính là một Tarnished không có Finger Maiden, do đó anh ta được Melina hỗ trợ.

– Thông qua hội bàn tròn (Roundtable Hold), nhân vật chính biết được phải thu thập các mảnh Great Rune từ những Demi-God con của nữ hoàng Marika, để có thể hợp thành Elden Ring hoàn chỉnh, giúp một Tarnished có thể trở thành Elden Ring.

– Thực tế chỉ cần 2 mảnh Great Rune là đã đủ điều kiện để đi tới thủ đô Leyndell, chỗ này giống như game cố tình làm đơn giản đi, chứ nếu xét theo đúng cốt truyện Elden Ring, thì phải thu thập đủ 100% tất cả Great Rune từ các Demi-God.

Cốt truyện Elden Ring: Giải thích các kết thúc của game
Thủ đô Leyndell

– Tiến tới ngai vàng trung tâm của cây thần Erdtree, đánh bại Morgott the Omen King, nhưng Tarnished không thể đi vào bên trong để gặp nữ hoàng Marika.

– Melina lúc này mới nói cần 2 thứ để có thể mở khóa, đầu tiên là ngọn lửa không bao giờ tắt của người khổng lồ, để có thể đốt trụi các rễ cây phía ngoài. Tiếp theo là Rune of Death – hay cái chết vĩnh cửu, với mục đích phá hủy phong ấn.

– Ngoài ra để có thể sử dụng được ngọn lửa trong lò rèn của người không lồ, cũng cần một vật dẫn, Melina sẵn sàng hi sinh.

– Nhân vật chính Tarnished chạy lên vùng đất của người khổng lồ, giết Fire Giant và để Melina dẫn ngọn lửa từ lò rèn, đốt trụi phần phía ngoài của Erdtree.

– Đánh bại Maliketh – kẻ đang bảo vệ Rune of Death và quay trở về thủ đô Leyndell.

Cốt truyện Elden Ring: Giải thích các kết thúc của game
Melina trở thành ngọn lửa đốt Erdtree

– Trước khi có thể gặp được nữ hoàng Marika, người chơi còn phải đụng độ với Godfrey – vị Elden Lord đầu tiên, vốn đã bị trục xuất và trở thành một Tarnished nhưng nay lại quay trở về.

– Hạ gục Godfrey và tiến vào bên trong lõi Erdtree, tại đây chúng ta biết được bí mật thực sự trong cốt truyện Elden Ring. Đó là chính Marika là người phá hủy Elden Ring, cũng như bà ta và chồng (Elden Lord thứ 2 sau Godfey) Radagon, là cùng một thể.

– Hạ gục bản hợp thể của Radagon cùng Marika, sau đó tiêu diệt luôn con Elden Beast – hiện thân thực sự của Elden Ring, nó cũng là trùm cuối của game.

Con Elden Beast trong cốt truyện Elden Ring

Cuối cùng người chơi sẽ có các lựa chọn tương ứng với các kết thúc bên dưới, sau đây Góc hư cấu sẽ nói và giải thích cụ thể từng cái một.

Kết thúc đầu tiên: Trở thành Elden Lord

Sau khi đã đánh bại Elden Beast, người chơi sẽ được lựa chọn có muốn trở thành Elden Lord tiếp theo, thay thế Marika để trở thành chủ nhân mới của The Lands Between hay không.

Nếu như chấp nhận phương án này, nhân vật chính Tarnished sẽ dùng các mảnh Great Rune của mình, kết nối với phần còn lại trong cơ thể nữ hoàng Marika, tạo ra một Elden Ring hoàn chỉnh, qua đó nhận lấy sức mạnh của nó để lên ngai vàng Elden Lord đời tiếp theo. Ending này sẽ được chia làm 4 ending phụ, tùy thuộc vào việc nhân vật chính Tarnished lựa chọn Great Rune nào làm vật nối.

– 1. Age of Fracture

Ending đơn giản và trực quan nhất trong cốt truyện Elden Ring, sau khi đánh bại Elden Beast, nhân vật chính sẽ sửa chữa phần Rune còn sót lại từ cơ thể Marika, với các Great Rune mà mình lấy được từ những Demi-God, qua đó hồi phục lại Elden Ring như cũ.

Nhân vật chính nhận lấy sức mạnh này và trở thành Elden Lord tiếp theo, mở ra một kỉ nguyên mới gọi là Age of Fracture.

Ending Age of Fracture – khôi phục lại Elden Ring

Về cơ bản Age of Fracture có thể gọi là một kết thúc “trơn”, tức là nó chẳng thay đổi được bất kì điều gì. Nhân vật chính chỉ đơn giản là phục hồi Elden Ring về thời điểm trước khi nó bị Marika phá hủy, không phá bỏ được lời nguyền bất tử vẫn đang còn hiện hữu tại The Lands Between, cũng như không tạo được bất kì đột biến gì, ngoài việc là Tarnished đầu tiên trở thành Elden Lord.

Bạn có thể coi cái kết thúc này thuộc dạng normal ending, nói thẳng ra là vô dụng.

– 2. Age of Duskborn

Giống như cái đầu tiên, nhưng khi sửa chữa Elden Ring, thì nhân vật chính sẽ dùng Mending Rune of the Death-Prince để làm phần trung tâm, qua đó biến đổi hoàn toàn Elden Ring, qua đó khi trở thành Elden Lord thì triều đại mới sẽ có tên là Age of Duskborn.

Để hiểu được cái ending này trong cốt truyện Elden Ring, thì chúng ta phải nói về Demi-God đầu tiên bị giết chết là Godwyn the Golden. Sau khi bị sát thủ dùng dao găm khảm một mảnh Rune of Death lên trên, Godwyn đã bị sát hại và linh hồn biến mất. Nhưng phần thể xác của Demi-God này vẫn còn tồn tại, nó được chôn sâu bên dưới lòng đất thủ đô Leyndell, bao quanh bởi các nhánh cây của cái chết gọi là Deeproot.

Phần cơ thể của Godwyn bên dưới thủ đô Leyndell

Godwyn trở thành Death-Prince và thủ lĩnh tinh thần của một nhóm người gọi là Those Who Live in Death, những kẻ bị dính lời nguyền bất tử sau khi Marika lấy Rune of Death khỏi Elden Ring, khiến bọn họ không thể siêu thoát sau khi chết. Nhân vật chính sẽ gặp được Fia – một Deathbed Companion, nói nôm na các Deathbed Companion là những tư tế xoa dịu đi nỗi thống khổ, của những kẻ phải chịu đựng lời nguyền bất tử.

Fia dùng 2 mảnh Cursemark of Death (rơi ra khi một Demi-God chết), dung hợp nó với máu thịt của Godwyn để tạo ra Mending Rune of the Death-Prince, thứ này có tác dụng gần tương đương với Rune of Death, tức là đem cái chết quay trở về The Lands Between.

Fia – Deathbed Companion

Khi nhân vật chính ghép mảnh Rune này để hoàn thiện Elden Ring, thì coi như sẽ xóa bỏ lời nguyền bất tử, giải thoát cho Those Who Live in Death. Ending này khá hơn Age of Fracture một chút, vì nó đã giải lời nguyền bất tử.

-3. Blessing of Despair

Lần này chiếc Rune được sử dụng là Mending Rune of the Fell Curse, hay lời nguyền rủa vĩnh cửa của Dung Eater. Khi sử dụng chiếc Rune này, thì nhân vật chính đã ếm một lời nguyền rủa khủng khiếp, ảnh hưởng tới tất cả sinh vật trên The Lands Between.

Trong đoạn cắt cảnh tiếp theo, có thể thấy Erdtree trở nên khô héo, vùng đất xung quanh tàn úa và bão cát nổi lên dày đặc, báo hiệu lời nguyền đã có tác dụng. Đây thực tế chính là “Bad Ending” trong cốt truyện Elden Ring, vì nó còn ếm một lời nguyền dã man hơn lên The Lands Between, kinh khủng gấp 10 lần lời nguyền bất tử, nó được gọi là Seedbed Curse.

Cây Erdtree khô héo báo hiệu lời nguyền đang đến

Mending Rune of the Fell Curse do Dung Eater làm nên, đây là một tên đồ tể bị nguyền rủa bị giam giữ sâu dưới cống ngầm thủ đô. Dung Eater khi sinh ra đã trúng phải một lời nguyền kì lạ và cũng là thứ khiến hắn đáng sợ, khi Dung Eater giết chết một kẻ nào đó, hắn cũng sẽ khiến cho thân thể và linh hồn của kẻ đó bị vấy bẩn. Linh hồn xấu số đó sẽ không thể quay trở về Erdtree, vĩnh viễn bị nhốt lại và thang lang vô định, chịu sự giày vò đau đớn khủng khiếp.

Nó khác với lời nguyền bất tử ở chỗ, lời nguyền Seedbed Curse tra tấn kẻ xấu số đó mãi mãi, không những bản thân hắn mà con cái, người thân, hay hậu duệ nhiều đời tiếp theo cũng phải chịu chung số phận. Đây có thể coi là một trừng phạt khủng khiếp nhất, một lời nguyên ác độc nhất trong cốt truyện Elden Ring. Khi nhân vật chính gặp Dung Eater, thì tên đồ tể tự nguyền rủa chính mình, để về sau đưa lại Mending Rune of the Fell Curse nhằm kéo cả thế giới phải chịu đựng đau đớn giống hắn.

Tên đồ tể Dung Eater

Theo Góc hư cấu cái ending này chỉ là một dạng bonus thêm, vì tôi không thấy nó đóng vai trò đặc biệt đáng kể nào, bản thân Dung Eater cũng có kết nối khá ít với cốt truyện chính.

– 4. Age of Order

Lựa chọn cuối cùng trong số các ending trở thành Elden Lord, lần này là sử dụng Mending Rune of Perfect Order để khôi phục Elden Ring. Đây có thể coi là hành trình để khôi phục lại vinh quan cho Golden Order, hội kín phụng sự Two Fingers và hoàng gia, đặc biệt tôn sùng Erdtree và nữ hoàng Marika. Cái tên Golden cũng là đặt theo ánh sáng hoàng kim, tỏa ra từ cây thần.

Nhân vật chính sẽ đi theo hành trình của Brother Corhyn và Goldmask, đây đều là những người trong hội Golden Order. Goldmask là một học giả đang đi tìm kiếm các bí mật của Erdtree, còn Corhyn tôn sùng ông ta và luôn muốn đi theo để học tập Goldmask.

Goldmask trong cốt truyện Elden Ring

Trong quá trình nghiên cứu Erdree, Goldmask đã tỏ ra nghi ngờ khi thấy tên của nữ hoàng Marika và Radagon đứng kế bên nhau. Về sau khi ông ta biết được sự thật Marika chính là Radagon, Goldmask đã hoàn toàn sụp đổ, thậm chí muốn dùng lửa từ lò rèn của người khổng lồ để thanh tẩy nó đi.

Ý nghĩa cái rune Mending Rune of Perfect Order, giống như để mỉa mai Marika, một vị thần nhưng lại ti tiện và lừa đảo không khác gì các sinh vật phàm trần. Trong hội Golden Order còn có những người khác biết chuyện này, thí dụ như Sir Gideon Ofnir, The All-Knowing nhưng ông ta cũng không muốn tiết lộ nó

Sir Gideon Ofnir, The All-Knowing – thủ lĩnh Golden Order

Kết thúc thứ 2: Phản kháng lại Erdtree và chấp nhận Three Fingers

Ở đây cần phải nói Three Fingers và Two Fingers là gì, chúng có khác gì nhau không. Như trong phần toàn tập cốt truyện Elden Ring thì Góc hư cấu tôi đã nói, Elden Ring vốn là sức mạnh của một vị Chủ thần ngoài không gian có tên là Greater Will, nữ hoàng Marika chỉ là kẻ được mượn nó mà thôi.

Greater Will có các thuộc hạ đi theo, kẻ trung thành nhất là Two Fingers, về cơ bản Two Fingers cũng là một thực thể vô hình, nhưng quyền năng của nó kém hơn Greater Will rất nhiều. Nhiệm vụ của Two Fingers là coi sóc gia đình hoàng gia Marika, lựa chọn ra những đứa con Demi-God có khả năng kế vị bà ta, cử người vừa đào tạo vừa trông coi chúng. Hội Golden Order cũng thờ phụng theo ý chí của Two Fingers, trung thành với nữ hoàng Marika.

Kết thúc Lord of the Frenzied Flame

Three Fingers cũng có thể là một thuộc hạ của Greater Will, nhưng ngược lại hoàn toàn với Two Fingers, nó không những không trung thành với Greater Will mà còn vô cùng bất mãn với hội Golden Order. Là một thực thể có phần tự do và điên loạn, Three Fingers muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn, nơi mọi thứ đều chìm đắm trong ngọn lửa điên cuồng do nó tạo nên.

Ngọn lửa của Three Fingers cũng là thứ có thể đốt trụi Erdtree, đây cũng là cách để cứu Melina, vì nhân vật chính Tarnished sẽ lấy chính cơ thể của mình để trở thành đuốc sống. Sau khi đánh bại Elden Beast, thay vì khôi phục lại Elden Ring, thì nhân vật chính sẽ triệu hồi Three Fingers xuống qua cơ thể mình, đốt trụi cả Erdtree và nhấn chìm The Lands Between dưới ngọn lửa của sự hỗn mang.

Nhân vật chính Tarnished trở thành ngọn lửa đốt trụi Erdtree
Nhân vật chính Tarnished trở thành ngọn lửa đốt trụi Erdtree

Đây là kết thúc khá đặc biệt trong cốt truyện Elden Ring, vì nếu đi theo Three Fingers thì mặc dù Melina được cứu, nhưng người chơi cũng không trở thành Elden Lord. Mặt khác tất cả sinh vật trên The Lands Between đều bị ngọn lửa của Three Fingers làm cho điên loạn, thì thế giới coi như đã sụp đổ hoàn toàn rồi.

Đây có thể là ẩn ý cho DLC tiếp theo của game, vì sau khi Melina được cứu, phần mắt bên trái bị hỏng của cô ta đã mở trở lại. Melina cũng nói rằng mình sẽ tiếp tục đi tìm nhân vật chính, để trao lại cái mà anh ta sở hữu.

Melina nếu như không hi sinh
Melina nếu như không hi sinh

Kết thúc thứ 3: Đi theo Ranni

Kết thúc cuối cùng trong Elden Ring và cũng có thể coi là good ending, chính là lựa chọn làm bạn đời của Lunar Princess Ranni. Người chơi sẽ không phục hồi lại Elden Ring, thay vào đó là để cho Ranni trở thành God mới thay cho Marika, cô ta sẽ triệu hồi một chủ thần của mình dưới hình dạng mặt trăng, phủ màn đêm xuống thế giới. Nhân vật chính Tarnished cũng là bạn đời của Ranni, cùng chung sống mãi mãi bên cạnh cô ta.

Trong số các Demi-God thì Ranni và cặp sinh đôi Malenia – Miquella được lựa chọn sẽ kế vị Marika, tuy nhiên Ranni không thích việc số phận của mình sắp đặt. Two Fingers đã gửi hai người bảo hộ tới coi sóc và giám sát Ranni, nhưng về sau bọn họ lại trung thành với cô nhiều hơn.

Lunar Princess Ranni trong cốt truyện Elden Ring
Lunar Princess Ranni trong cốt truyện Elden Ring

Để thoát khỏi sự trói buộc này, Ranni đã lập kế hoạch đánh cắp một mảnh Rune of Death, đưa nó cho các sát thủ của hội Dao đen và ám sát Godwyn. Bản thân Ranni cũng bị ảnh hưởng, nếu Godwyn mất đi linh hồn chỉ còn lại thể xác, thì Ranni ngược lại, linh hồn của cô ta tồn tại mà không có cơ thể. Ranni mất đi một phần kí ức, cho tới khi gặp được nhân vật chính Tarnished.

Ranni đã nhờ nhân vật chính đi giải quyết sát thủ do Two Fingers gửi tới, sau đó là phục hồi lại cơ thể cho cô ta. Nếu như Two Fingers thành công thực hiện được hết tất cả, Ranni sẽ sống lại hoàn toàn và chọn Tarnished làm bạn đời của mình. Cô ta sẽ tạm thời lánh đi để triệu hồi Chủ thần mới, thay thế Greater Will, biến thế giới chìm trong bóng tối của mặt trăng.

Kết thúc Age of the Stars – Ranni triệu hồi chủ thần mới

Mặc dù Ranni có tính cách khá là tăm tối và có phần tiêu cực, nhưng có lẽ đây là kết thúc tốt đẹp nhất trong cốt truyện Elden Ring. Ít nhất thì Tarnished cũng có vợ (tương đối dễ thương), cũng như không sợ bị đâm sau lưng như cách mà Marika đã tống cổ Godfrey.

Và đó là 6 kết thúc trong cốt truyện Elden Ring, tuy vậy vẫn còn rất nhiều thứ khá khó hiểu đặc biệt là kết thúc Age of Duskborn và Lord of the Frenzied Flame. Vì nó chưa giải thích triệt để được Three Fingers, cũng như vai trò của Fia với Godwyn, khả năng cao câu trả lời sẽ có trong các bản DLC tới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *