Chủ đề hậu tận thế hay đại dịch Zombie luôn là ý tưởng không bao giờ lỗi lời, kể cả trong phim lẫn game, nói về game thôi thì phải có hàng chục sản phẩm khác nhau lấy ý tưởng này và tất cả đều hướng tới một thứ duy nhất – đó chính là sự tận diệt của con người.
Nhưng càng nghiên cứu vấn đề này, tôi lại càng nhận ra một điều rất thú vị, đó là cũng giống như các loại bệnh hại ngoài đời, thì đại dịch Zombie trong game cũng có phân cấp nguy hiểm rõ rệt, với nhiều thứ nhìn thì rất kinh nhưng thực ra lại chẳng có gì đáng sợ.
Đầu tiên hãy định nghĩa về đại dịch Zombie, chúng ta có thể nói đơn giản nó là một dạng sự kiện khởi đầu bởi virus, có chứa nguồn gốc khiến sinh vật biến đổi, lây lan theo nhiều con đường khác nhau và cuối cùng là hủy diệt toàn bộ dân cư ở khu vực bị nhiễm. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa Zombie (xác sống) và Infected (người bị nhiễm bệnh), thí dụ như trong Resident Evil, Dead Rising, The Walking Dead là Zombie – tức cái xác vô hồn đã thực sự chết.
Còn Infected xuất hiện trong những game như The Last of Us, Day Gone, Left 4 Dead… điểm phân biệt là những kẻ bị nhiễm thực ra vẫn còn “sống”, nhưng đã bị virus làm hủy hoại não bộ, không còn trí thông minh nữa và có hành vi khá giống Zombie. Tại sao chúng ta cần phải phân biệt hai thứ này, đó là vì sự khác biệt của chúng trong cách thức lây lan khi có đại dịch.
Một đại dịch Zombie nguy hiểm được quyết định bởi 3 thứ:
– Cách thức lây nhiễm.
– Tốc độ lây nhiễm.
– Tầm lây nhiễm.
Như chúng ta đều biết thì bệnh dịch Zombie lây nhiễm chủ yếu con người bị Zombie cắn trúng, sau đó trở thành Zombie và tạo thành một vòng tròn mở theo diện rộng. Nhưng khi nghiên cứu về việc này, thì tôi nhận ra đây là cách tồi tệ và kém hiệu quả nhất nếu muốn phát tán virus.
Đầu tiên một con Zombie cắn chỉ được một cá thể cùng lúc, vì nó sẽ ngay lập tức phải ăn thịt cá thể đó để duy trì năng lượng, nếu xui xui nó gặm nát cả não là coi như xong khỏi hồi sinh luôn, vả lại tốc độ tăng lên chỉ theo tỉ lệ cộng là cao. Tôi cũng để ý tới việc thả virus vào nguồn nước ngầm, nhưng thực tế nó cũng là vô nghĩa.
Lấy ví dụ như thành phố Raccoon trong Resident Evil 2 chẳng hạn, nguồn lây là virus chảy xuống cống, bọn chuột ăn phải rồi cắn lây cho người, điều này đồng nghĩa là bạn phải cần một lượng virus cực lớn để có thể làm nhiễm độc nguồn nước, điều không kinh tế chút nào.
Do đó cách thức lây nhiễm tốt nhất là qua đường không khí, ví dụ rõ ràng nhất là màn phóng một đống C-Virus vào Lanshiang, qua đó biến tất cả người dân nào hít phải khí độc đều biến thành Zombie. Cách thức lây nhiễm này đảo bảo được vấn đề là nhanh, rộng và bảo đảm không để cá thể nào lọt ra được, vì chẳng có sinh vật nào trên đời này nhịn thở được cả.
Green Flu trong Left 4 Dead cũng là thứ tương tự, nó quét sạch cả nửa nước Mỹ chỉ trong vài tháng, biến những kẻ bị nhiễm trở thành Infected điên cuồng, với hàng triệu con Zombie bất khả chiến bại. Rõ ràng trong mọi trường hợp, lây nhiễm qua không khí là thứ tốt nhất, chứ không phải bất kì hình thức nào khác.
Tiếp theo là tốc độ lây nhiễm của đại dịch Zombie, trong hầu hết các game thì thời gian để một cá thể biến đổi thành Zombie diễn ra từ vài tiếng cho tới vài ngày, tùy theo cơ địa cũng như virus. Trong một vài trường hợp như The Last of Us thì quy trình này thậm chí còn lâu hơn, tốc độ biến đổi càng nhanh thì tỉ lệ những cá thể miễn nhiễm với virus thoát được sẽ càng giảm, điều tiên quyết cho sự thành công của một đại dịch Zombie.
Tốc độ lây nhiễm ảnh hưởng trực tiếp từ cách thức lây nhiễm ở trên, rõ ràng khi virus được phát tán theo thể khí, thì mức độ phủ sóng sẽ gấp vài chục lần mấy phương thức truyền thống.
Trong nhiều game về đại dịch Zombie thường nói về bệnh nhân số 0, kiểu như một cá thể bị nhiễm sau đó lây lan ra toàn cộng đồng, đối với tôi thì điều này không khả thi, vì như đã nói điều này quá chậm và quá dễ để cách ly vài cá thể bị bệnh. Kể cả trong trường hợp chính phủ không biết Zombie là gì, thì quá trình tách biệt những kẻ có dấu hiệu nghi ngờ là quá đơn giản, cho nên tôi cũng không hiểu có thể loại vô dụng nào có thể bị hủy diệt chỉ vì vài con Zombie trong cộng đồng.
Và cái cuối cùng cũng là thứ quyết định sự thành công của một đại dịch Zombie, đó chính là tầm lây nhiễm hay mức độ phủ sóng diện rộng của virus. Chúng ta đều đồng ý việc có thể lây lan trong không khí là thứ tuyệt vời nhất, nhưng nó cũng có phân cấp rõ ràng. Một vụ tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học như Resident Evil chỉ có thể ảnh hưởng một thành phố (dạng vừa và nhỏ), nếu muốn làm cao hơn thì sẽ cần một lượng tài chính lớn hơn và nó cũng rất khó khăn.
Một trận dịch lớn như Green Flu có thể quét qua nửa lục địa và biến gần như toàn bộ dân số thành Zombie, nhưng trực quan hơn thì có thể kể đến Days Gone với Virus Freakers. Chỉ với một cá thể duy nhất bị nhiễm virus trong Days Gone, đã đủ để lây nhiễm cho một số lượng khổng lồ khoảng vài ngàn người và sau đó… thực ra không bao giờ có sau đó cả.
Khi virus có thể truyền vào không khí, nó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, có nghĩa là sẽ có thêm nhiều khí độc bị thải ra, khiến cho những kẻ chưa bị nhiễm hít thở có tỉ lệ bị nhiễm cao hơn, cho tới một điểm chết nào đó không còn gì có thể ngăn cản được. Cách này trí mạng ở chỗ số lượng người bị nhiễm tăng lên theo cấp số nhân, tạo thành một gánh nặng không thể cứu chữa cho bất kì nền y tế nào, khi mà con số biến đổi là hàng triệu tới hàng chục triệu người.
Trong Days Gone, tỉ lệ nhiễm bệnh là trên 80%, sau đó đám Zombie khổng lồ này sẽ theo bản năng tìm tới những con người còn sống tiếp theo, các đàn lên tới hàng chục triệu con rảo bước trên đường, là thứ mà không một lực lượng nào có thể ngăn cản. Tới đây thì không có giới hạn cho tầm lây nhiễm nữa, mọi thứ nằm trên đường đi của đám Zombie đều sẽ bị hủy diệt, đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho con người. Trong các game hậu tận thế nơi nền văn minh gần như đã bị tuyệt diệt, thì yếu tố lây nhiễm diện rộng mới là thứ đáng sợ nhất.
Vậy sau khi đọc hết bài viết này, chắc các bạn cũng tự nghĩ ra cho mình đâu mới là một đại dịch Zombie nguy hiểm rất rồi nhỉ, chủ đề này quả thực khá là có tính học thuật đấy chứ.