Thuật ngữ “Phá vỡ bức tường thứ 4” hay “Breaking the fourth wall” chắc không còn xa lạ gì nữa, nó nói về việc một nhân vật trong phim ảnh hay game nhận biết mình chỉ là sản phẩm tưởng tượng, cũng như tương tác trực tiếp với người chơi.
Thường thì việc phá vỡ bức tường thứ 4 mang tính hài hước hoặc giải trí nhiều hơn, nhưng cũng có những lần các nhà làm game đã lạm dụng nó, để khiến cho tim gan phèo phổi của người chơi đi tàu lượn thiếu điều muốn rớt ra ngoài luôn.
Black & White 2 – nửa đêm mày có muốn đi tè không
Nếu bạn không biết Black & White là gì thì quả thực bạn đã có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh đấy, đây là một trong các đại diện đầu tiên và hiếm hoi của dòng God-Game, thứ gần như đã tuyệt chủng ở thời điểm hiện tại. Black & White cũng là tiêu biểu cho thời hoàng kim của những game mang tính nghệ thuật đầu thập niên 2000, được tạo bởi studio huyền thoại Lionhead của Peter Molyneux – người mà Góc Hư Cấu tôi cho rằng mới đúng thực sự là một vị thánh của làng game, hơn Hideo Kojima xa lắc.
Black & White cũng là game mà khái niệm “Phá vỡ bức tường thứ 4” hiện nên rất rõ, vì người chơi trong vai trò là Thần chính hiệu, sẽ luôn luôn cảm nhận sự tương tác trực tiếp từ các nhân vật trong game. Bạn sẽ cảm thấy đám dân làng liên tục nói chuyện và cầu xin mình, nhưng nếu đó là nó không khiến bản thân són đái ra quần như ở bản Black & White 2.
Trong Black & White 2 thì mức độ cầu nguyện và lời nói của đám dân làng rõ ràng hơn, cũng như méo hiểu sao mà nó kinh dị hơn nhiều. Vào cái thời điểm 2005 khi mà việc tương thích “ngược” trong game là hoàn toàn lạ lẫm, thì bằng một cách quái đản nào đó mà Black & White 2 có thể đột nhập vào hệ thống của bạn, tìm ra tên đăng nhập hệ thống và từ đó… đọc nó thành tiếng trong game.
Hãy thử tưởng tượng vào một buổi tối muộn cuối tuần, khi mà bạn đang vọc Black & White 2 bằng cách điều khiển con linh thú của mình nướng mọi vài bộ lạc bất tuân lệnh. Bất ngờ một giọng nói thều thào vang lên “Deathhh”, sau đó là cái tên của mình tiếp tục lặp đi lặp lại liên tục, thề có Chúa thật là lúc đó ruột gan phèo phổi chỉ thiếu điều phóng vọt cm nó ra ngoài mà đi bụi. Thật không còn gì dã man và khốn nạn hơn để phá vỡ bức tường thứ 4, với cái tên của mình văng vẳng trong không khí đi kèm các lời nguyền rủa “Chết đi, chết đi, chết cm mày đi…” như gọi hồn vậy đó.
Doki Doki Literature Club! – Bố sẽ đập nát ổ cứng cm nó ngay và luôn
Từng frame trong cái tựa game khốn nạn này sinh ra để khiến game thủ lên cơn tiền đình mà chết, nói vậy hẵng là quá nhẹ cho rất nhiều triệu chứng sau khi chơi Doki Doki Literature Club! bao gồm: tăng huyết áp, tim đập nhanh, hoang tưởng, rối loạn lưỡng cực và nặng hơn là táo bón kinh niên vì méo dám đi vệ sinh. Đây cũng là game mà việc “Phá vỡ bức tường thứ 4” xảy ra như cơm bữa, bạn biết tôi muốn nói tới cái gì rồi đó – con quỷ sứ Monika.
Đầu tiên tôi phải đính chính là không chỉ Monika mà tất cả bọn điên còn lại, đều chơi trò phá vỡ bức tường thứ 4 và rất thích hạ đường huyết game thủ. Mấy trò nhẹ nhàng như treo cổ, gửi thư hăm dọa hay như một con điên tóc hồng đột nhiên vặn vẹo không gian, cổ ngoặt một góc 90 độ đâm thẳng vào mặt bạn vẫn còn nhẹ nhàng chán.
Không, Monika nó là một cái khái niệm hãi hùng hơn nhiều, một phiên bản Deadpool kết hợp giữa yandere và thuốc làm nín đẻ. Monika tự ý thức bản thân nó là một phần mềm game, biết được “nhân vật chính” thực ra là người chơi, cũng như biểu hiện một tình yêu cháy bỏng cực kỳ méo lành mạnh với cái thằng đang ngồi trước màn hình. Thật sự không còn cái gì kinh dị hơn, khi mà bạn bước vào game chỉ để thấy con điên này liên tục lảm nhảm việc “cả hai chúng ta hòa vào làm một”.
Monika phá vỡ bức tường thứ 4 mạnh tới nỗi, méo có cách nào thoát được khỏi nó trừ khi là xóa đi file gốc trong game, việc mà chắc chắn đừng hòng thằng nào làm được trừ khi có bản hướng dẫn. Trong nhiều khoảnh khắc khiến con người hối hận vì biết đọc chữ, thì Monika chắc chắn phải nằm trong top đầu, khuyến mại thêm là tại sao nhân loại lại có đôi mắt để chứng kiến cái thứ quái vật này tồn tại.
Eternal Darkness – tao cảm thấy mình sắp bị hoang tưởng
Nếu như các game khác chơi kiểu phá vỡ bức tường thứ 4 theo cách tương tác trực tiếp, thì Eternal Darkness lại chọn trò khác là tương tác gián tiếp nhưng cái nỗi sợ này phải hãi hùng gấp 10 ấy chứ. Cho những ai không biết thì Eternal Darkness là một game hành động, kinh dị đời cũ với phong cách camera khá giống Resident Evil, với rất nhiều nhân vật chính xoay vòng cho nhau.
Thực tế Eternal Darkness là một game rất hay, khi cốt truyện của nó kết nối với nhau theo chiều hướng tâm linh siêu thực, dẫn dắt theo từng góc nhìn nhân vật rất độc đáo. Nhưng điều khiến cho Eternal Darkness nổi tiếng tới tận bây giờ là hệ thống củ bựa “sanity effects”, hay còn được gọi là hack não chi thuật – thứ đã khiến nhiều game thủ thiếu điều muốn đập luôn cả máy đúng nghĩa đen.
Sanity effects hiển thị gần giống như máu, nó sẽ giảm tùy thuộc số lần nhân vật bị kẻ thù bắt gặp, khi xuống tới mức thấp nhất thì các hiệu ứng bất lợi sẽ bắt đầu xuất hiện. Nghe thì cũng khá hợp lý với một game kinh dị đúng không nào, có điều thực tế nó còn khốn nạn hơn nhiều. Khi thanh sanity chạm đáy, bạn sẽ bắt đầu thấy những ảo giác thực sự, nhưng thay vì là tác động vào nhân vật thì nó lại tác động vào… người chơi.
Cụ thể bạn sẽ thấy màn hình bắt đầu giật lắc liên tục, âm lượng đột nhiên giảm đi hay mute hẳn mà mình không hề điều khiển, quá đáng hơn nữa game lâu lâu sẽ “đứng” và màn hình xanh chết chóc hiện lên… tức là Eternal Darkness đang phá bức tường thứ 4, để cho bạn trải nghiệm các hù dọa chưa hề có trong sách giáo khoa.
Nếu như từng đó còn chưa khiến bạn sợ, thì khi save game chúng ta sẽ có cơ hội bị hỏi “mày có muốn xóa hết file save không”, bất kể là chọn thế nào thì toàn bộ file save cũng bị delete sạch sẽ… kể cả đây chỉ là hiệu ứng hình ảnh thôi, nhưng bảo đảm ai rơi vào tình trạng đó cũng kinh hãi thực sự đấy. Không có thống kê bao nhiêu người đã tưởng máy móc bị hỏng thật khi chơi Eternal Darkness, nhưng chắc cũng khối anh tài muốn đập luôn cả máy khi gặp trường hợp này đấy nhỉ.
SCP Containment Breach – Mỗi lần pause là mỗi lần trụy tim
Có thể nhiều người đã biết tới SCP Containment Breach rồi, vì tựa game này được xây dựng trên các câu chuyện viễn tưởng kinh dị từ trang web SCP Foundation. Kẻ thù trong game là SCP-173 – một sinh vật giống như bức tượng kì lạ chỉ di chuyển khi không bị ai nhìn thấy, game sẽ là một cuộc đuổi bắt để làm sao sống sót thoát ra mà không để SCP-173 tóm được mình.
Điểm kì quái của SCP Containment Breach là nó áp dụng hệ thống “nháy mắt”, nôm na là nhân vật trong game sẽ phải nhấp nháy mắt giống như ngoài đời thực, nhưng mỗi khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy lại khiến SCP-173 di chuyển, cho tới khi nó tiếp cận và giết chết con mồi. Game đã phá vỡ bức tường thứ 4 rất thành công, vì nó tái hiện lại không khí cũng như cảm giác ngoài đời thực, nhất là khi chơi cái game này bạn sẽ hồi hộp tới mức nhấp nháy mắt trong vô thức liên tục.
Và để tăng thêm phần khốn nạn cũng như áp dụng triệt để công thức phá vỡ bức tường thứ 4, SCP Containment Breach còn lồng thêm một tiết mục mới đó là “anti-pause”. Thường thì chơi game kinh dị nếu sợ quá ta có thể pause lại để đi bình ổn nhịp tim, nhưng trong SCP Containment Breach thì không nhé, bất cứ lúc nào bạn có ý định pause để làm trò con bò đó quá lâu hoặc liên tục, thì game sẽ tự động unpause và hiện lên dòng chữ “STOP HIDING” (Đừng có trốn nữa).
Mà đó vẫn chưa phải vấn đề lớn nhất đâu, mà dòng chữ này là một dạng cảnh báo cho người chơi biết SCP-173 đang ở sát bên cạnh và sẵn sàng cho mày lên bàn thờ bất cứ lúc nào. Cảm giác thật là Yomost khi đã sợ muốn té đái trong quần mà không được pause, đã thế còn chuẩn bị “được” chết nữa chứ.