Đánh giá

Đánh giá Atlas Fallen: Chơi game 2023 mà cảm giác lỗi thời như 2003

Có thể xem là một bom tấn hành động trong mùa hè này, tuy vậy những gì mà Atlas Fallen đem lại thực sự rất thất vọng, nó tầm thường một cách nhạt nhòa.

Vấn đề rõ ràng nhất của Atlas Fallen là nó ôm đồm quá nhiều thứ, từ cốt truyện, thế giới cho tới lối chơi hành động, thành ra chẳng có cái gì ăn nhập với nhau và chúng cứ trôi tuột hết cả đi.

Cốt truyện quá dài dòng và dễ đoán

Atlas Fallen lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, khi mọi thứ bị chôn vùi trong cát, con người trở thành nô lệ của một thực thể gọi là Thalos, bọn họ không còn được gọi bằng tên, mà là các biệt danh gắn với công việc hay ngoại hình của mình. Một đế chế được dựng lên để phụng sự Thalos, đứng đầu nó là Nữ Hoàng là người thực thi mọi ý chí của Thần.

Tất nhiên có áp bức thì sẽ có phản kháng, rất lâu trước khi các sự kiện trong game bắt đầu, một nhóm hiệp sĩ tự xưng là Knights of Bastengar đã đứng lên khởi nghĩa chống lại Nữ Hoàng và Thalos.

Bọn họ lấy sức mạnh từ một chiếc găng tay cổ đại, thứ có thể điều khiển vật chất, nhưng trong trận chiến cuối cùng nó lại gặp vấn đề, dẫn tới toàn quân Knights of Bastengar bị tiêu diệt, chiếc găng tay chìm trong cát cho tới khi nhân vật chính tìm ra nó, để viết tiếp câu chuyện còn dang dở của cuộc khởi nghĩa.

Nhìn chung cốt truyện Atlas Fallen rất trực quan, theo kiểu cái thiện nổi dậy chống lại cái ác, không có quá nhiều bất ngờ với kiểu dẫn truyện như vậy. Mặc dù game ẩn ý về những kí ức xa xưa được chôn vùi dưới cát, nhưng chúng chủ yếu là mấy cái ghi chép hay nhật kí, mà thực tế đọc xong bạn cũng chẳng quan tâm làm gì. Về cơ bản thì game nó chia mọi thứ thành hai mảng trắng đen rõ ràng, trong thời đại hiện nay thì như vậy nó quá là lỗi thời.

Tức là game không có gì nhiều để khám phá, hơn nữa sau khoảng 2 tới 3 giờ chơi, bạn sẽ bắt đầu chán vì các nhân vật nói quá nhiều, nhưng chẳng có ảnh hưởng gì tới cốt truyện. Vẫn có các lựa chọn đối thoại, cơ mà bất kể bạn chọn cái nào thì kết quả vẫn vậy, Atlas Fallen tuyến tính tới độ không thể tuyến tính hơn được. Không có cài cắm drama, phản bội hay tình yêu gì… cả game chỉ đơn giản là nhân vật chính vác găng tay đi đập lộn, sau đó hát bài ca cách mạng thành công mà thôi.

Lối chơi nhàm chán lặp lại

Deck13 là studio khá nổi tiếng với những tựa game như Lords of the Fallen hay The Surge, với Atlas Fallen thì họ không làm theo kiểu hành động Souls-like nữa, mà đi theo hướng hành động – phiêu lưu truyền thống. Rất dễ để nhận ra Atlas Fallen lấy cảm hứng khá nhiều từ God of War – cả phiên bản cũ lẫn mới 2018, đó là kết hợp giữa đánh đấm, phiêu lưu và tìm kiếm vật phẩm.

Tuy vậy bản thân cái game này lại có rất nhiều vấn đề, chủ yến đến từ lối chơi tối ưu rất quái đản của nó. Tổng cộng có 3 vũ khí là rìu, roi và bao tay, bạn có thể chọn một vũ khí chính và một vũ khí phụ để sử dụng đồng thời, tùy phong cách chơi cũng như đối thủ. Ngoài những combo của từng vũ khí và combo phối hợp, thì chúng ta còn có 4 kỹ năng có thể kích hoạt riêng – cái này tương tự với God of War 2018. Nhân vật có thể tấn công cả dưới đất lẫn trên không, các combo có thể kết hợp với nhau theo phong cách Devil May Cry, nghe rất là hấp dẫn đúng không.

Đánh giá Atlas Fallen: Chơi game 2023 mà cảm giác lỗi thời như 2003

Tuy vậy thực tế thì khác hẳn, vì mọi thứ trong Atlas Fallen diễn ra quá chậm, từ cách nhân vật ra đòn, phản đòn, né chiêu hay đối thủ tấn công… nó đều tạo thành cảm giác giật cục chứ không mượt mà xuyên suốt, thành ra đánh vài đòn thì còn khá chứ nhiều hơn là vô cùng khó. Một điểm nữa là với mỗi đòn đánh kết thúc combo, game lại cố tình slow motion đi vài frame không hiểu vì mục đích gì, thành ra người chơi rất hay bị mất nhịp để nối combo khi cần thiết.

Cái này không rõ là có học God of War hay không, vì các phiên bản trước 2003 rất hay có kiểu slow motion như vậy, đặc biệt là khi Kratos đập cặp xích xuống đất, về sau thì phần God of War 2018 đã bỏ bớt đi, nhưng Atlas Fallen thì bưng vào vô cùng máy móc và nhảm nhí. Kẻ địch cũng y chang như vậy, chúng tấn công chậm chạp thành ra động tác cứ như kiểu dồn cục lại, bạn sẽ rất khó để nhìn xem quái vật đã thực sự ra đòn hay chưa, thành ra sẽ bị ăn đập theo kiểu vô cùng ức chế.

Và Góc hư cấu phải chửi tiếp phần khóa mục tiêu của game, cơ chế này trong Atlas Fallen làm cực kỳ ngớ ngẩn, nếu như mục tiêu của bạn đang khóa đi hơi xa một chút, hay dùng những kỹ năng đặc biệt thì game sẽ bỏ luôn mục tiêu đó. Cái này đúng ác mộng khi đánh nhau đông đúc, vì bạn sẽ bị rối không phản xạ được.

Đánh giá Atlas Fallen: Chơi game 2023 mà cảm giác lỗi thời như 2003

Atlas Fallen có hệ thống momentum, tức là bạn càng tấn công nhiều thì sát thương càng tăng, cũng như mở khóa ra những đòn đánh mới của vũ khí. Nghe thì rất hay nhưng như đã nói ở trên, nhịp độ của game cực kì chậm nên cái momentum không tạo được sự bắt mắt cần thiết. Nói thẳng ra thì các đòn đánh trong game không có lực, nhìn chúng cứ như múa dưỡng sinh vậy.

Đó là chưa nói tới số lượng kẻ địch quá ít, quanh tới quanh lui cũng chỉ có vài model lặp đi lặp lại, càng khiến nó thiếu giá trị chơi lại. Boss thì đúng là lười biếng cực độ, không những Atlas Fallen dùng một model chỉ chỉnh sửa đôi chút cho nhiều con boss, mà cách đánh của chúng đúng kiểu là đứng yên chờ bạn tới đánh. Chính xác là chỉ có 2 động tác khi dánh boss, một là bay lên không để combo, thứ hai là parry liên tục để làm choáng, rồi cứ thế spawn nút tới chết, chán không thể tả.

Cuối cùng cách gán nút của game đúng là thảm họa, nếu bạn chơi bằng tay cầm Playstation thì mới thấy nó khốn khổ ra sao. Bốn nút kỹ năng chồng chéo lên nhau, hồi máu thì phải nhấn 2 nút cùng lúc, còn cái nút né cực kì quan trọng lại là R1 – bấm cực kỳ khó chịu. Cộng thêm cái đống kể trên khiến việc chơi Atlas Fallen ức chế tột độ, vì cái gì nó cũng tệ.

Thế giới “không mở” một màu

Mới đầu khi xem những trailer của Atlas Fallen, có lẽ nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là game thế giới mở, khi nó trình diễn những đại cảnh sa mạc bạt ngàn, núi non trùng điệp với những công trình đổ nát mang đậm chất hậu tận thế. Nhưng không hiểu có phải trend hay không, mà Atlas Fallen đi theo kiểu mà tôi ghét nhất đó là thế giới “mở một nửa” – nói nôm na là lại giống God of War 2018.

Thế giới mở một nửa là kiểu game cho phép người chơi đi xa hơn, chứ không giới hạn từ điểm A tới điểm B như kiểu tuyến tính truyền thống. Với Atlas Fallen thì sau đoạn mở đầu, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm các mảnh thất lạc để nâng cấp cái bao tay, dĩ nhiên là không có lộ trình cố định, người chơi thích bắt đầu từ chỗ nào trước cũng được. Với các sa mạc rộng mênh mông, thì rất dễ nhầm lẫn Atlas Fallen là game thế giới với cả tá thứ để khám phá, nhưng thực tế thì không.

Bản đồ của Atlas Fallen nhìn thì rất rộng, nhưng cơ bản nó vẫn là đi từ điểm A tới điểm B, hoàn thành nhiệm vụ và bắt đầu cái tiếp theo, chứ hoàn toàn chẳng có bí mật hay sự kiện ngẫu nhiên nào cả. Nói trắng ra thì mấy cái game thế giới mở một nửa kiểu này, bạn chỉ đơn giản là đi bộ nhiều hơn mà thôi, chứ bản chất tuyến tính của nó là không thay đổi, tức là nhìn bề ngoài thì hòa nhoáng chứ bên trong rỗng tuếch.

Hầu hết thời gian của bạn trên bản đồ là đi kiếm mấy chỗ nâng cấp găng, mở hòm đồ, nhặt nguyên liệu và lâu lâu đánh mấy con quái cản đường. Tất cả lặp đi lặp lại, có khác tí là đổi mấy vùng đất cho nó có vẻ sinh động, còn đâu chỗ nào cũng giống chỗ nào chẳng có gì đặc biệt. Atlas Fallen làm tôi nhớ tới mấy cái game online RPG hồi 2004 tới 2008, đi làm nhiệm vụ đánh quái nhận thưởng và cày đồ thủ công, khỏi cần nói cũng biết nó chán thế nào.

Và như để tô điểm thêm cho cái sự tồi tệ về tối ưu của mình, Atlas Fallen có màn lướt cát hay đơn giản là chạy nhanh, nhưng điểm tuyệt vời ở đây là nó cũng có nút chạy rồi (đè Analog trái). Bạn sẽ thấy một mức độ hãm tài cực độ, khi mà đang đánh quái muốn chạy đi, thì nhân vật lại đột nhiên lướt trên cát và bị ăn đấm vỡ mồm, tôi không biết ai đã tối ưu cho cái game này, nhưng thằng cha đó xứng đáng bị đuổi việc.

Atlas Fallen có tiềm năng và studio làm ra nó cũng đủ kinh nghiệm, nhưng tất cả chỉ là một sản phẩm tầm thường, kém cỏi và tối ưu tồi tệ. Nó không xứng đáng để mua lúc này, có chăng là khi nào sales thì còn nói chuyện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *