Cốt truyện game

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt

Mặc dù đã ra mắt một thời gian khá lâu, nhưng cốt truyện Inside vẫn là một thứ gì đó vô cùng bí ẩn, có sức hút kì lạ bất kể thời gian. Nó giống như một câu chuyện ở góc nhìn thứ ba, nơi chính game thủ mới là người bị kiểm soát.

Sơ lược cốt truyện Inside

Cốt truyện Inside đi theo phong cách đen trắng khó hiểu đặc trưng của nhà phát triển Playdead, nó giống với Limbo cả về cách dẫn truyện lẫn tình tiết. Theo đó nhân vật chính trong Inside là một nam thiếu niên khoảng 12 tới 14 tuổi (tạm gọi là The boy), kẻ đang phải chạy trốn khỏi những nhân viên của một cơ sở nghiên cứu nào đó, tìm đường băng qua các khu vực đổ nát hoang vắng kì lạ, nơi các sinh vật sống mất hết lý trí, trở nên vô hồn và bị điều khiển bởi sóng điện phát ra từ những thiết bị kì lạ.

Trong cuộc hành trình này, người chơi nhận ra một điều rằng ở thế giới Inside, những kẻ săn đuổi nhân vật chính dường như đang làm một loại thí nghiệm lên cơ thể sống, khi bắt cóc con người, tẩy não biến họ trở nên đờ đẫn như những cái xác không hồn, sau đó sử dụng những con người này cho nhiều mục đích khác nhau. Những kẻ này được gọi là Albinos vì ngoại hình trắng nhởn và trọc lóc, do đã bị tẩy não nên Albinos không còn được xem là con người, mà giống như một dạng công cụ nhiều hơn.

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt
Các Albinos trong cốt truyện Inside

Các Albinos có thể được điều khiển bằng một thiết bị đặc biệt gắn lên đầu, bản thân nhân vật chính ở nửa sau game cũng có thể làm điều này mà không cần thiết bị phụ trợ. Trong suốt cốt truyện game Inside, người chơi sẽ cảm nhận được toàn bộ hành trình của mình giống như đã được lập trình từ trước, khi nhân vật chính lần lượt đi qua các khu vực nghiên cứu, với đủ loại Albinos bị bỏ lại hoặc vẫn còn sống để phục vụ thí nghiệm.

Những khu vực nghiên cứu này có đủ loại, theo tuần tự từ bắt lấy người sống để tẩy não, biến bọn họ thành những cái xác vô hồn, sau đó lần lượt đem vào các thiết bị đặc biệt để biến thành Albinos. Những Albinos này được phân bổ theo nhiều mục đích, từ thí nghiệm để thở dưới nước, chịu áp lực sóng âm, hoạt động trong hầm mỏ hay như công nhân vệ sinh… điểm chung như đã nói ở trên, Albinos không còn được xem là người sống, mà chỉ thuần túy là vật thí nghiệm, mạng sống hoàn toàn không có chút giá trị nào.

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt
Khung cảnh một khu thí nghiệm dưới nước

Khi The boy mò mẫm đến được trung tâm điều hành chính, thì dường như bọn bảo vệ không thèm đuổi theo, thậm chí sự xuất hiện của cậu ta cũng không khiến cho ai bất ngờ. Mục đích của nhân vật chính là giải cứu một khối thịt khổng lồ đang bị giam giữ, sinh vật này được gọi là The Huddle hay sự tái hợp, vì khi nhân vật chính chạm vào nó sẽ “nuốt” lấy cậu ta và người chơi sẽ chuyển sang điều khiển The Huddle.

The Huddle trong cốt truyện Inside mới là vật được thí nghiệm chính, vì ngay sau khi được The boy cứu thoát khỏi lồng giam, nó đã lồng lộn tìm cách thoát ra khỏi trụ sở. Trong quá trình này các nhân viên cũng như bảo vệ khu nghiên cứu, không những không tìm cách ngăn cản The Huddle, mà còn cố tình giúp đỡ và chỉ đường cho nó thoát ra ngoài một cách tuần tự, y hệt như một bài kiểm tra cấp cao cuối cùng vậy.

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt
The Huddle trong cốt truyện Inside

Cuối cùng sau rất nhiều cố gắng và được sự hỗ trợ từ chính các nhân viên nghiên cứu, The Huddle đã phá tường thoát ra khỏi trạm nghiên cứu, nó lăn xuống sườn đồi và kiệt sức nằm đó, tận hưởng ánh nắng chiếu lên người mình, cũng như sự tự do tuyệt vời vừa mới có được – đây cũng là kết thúc đầu tiên trong cốt truyện Inside.

Đoạn kết cốt truyện Inside

Ai mới là nhân vật chính?

Cốt truyện Inside là một thứ cực kỳ lằng nhằng và hack não, ban đầu bạn cứ tưởng nhân vật chính là The boy, nhưng khi gặp The Huddle và chuyển sang điều khiển nó thì mọi thứ lại xoay chuyển 180 độ. Như vậy chúng ta có thể hiểu The Huddle mới là nhân vật chính quan trọng nhất, cậu bé kia là một phần của nó đang tìm cách trở về và giải thoát cho bản thể cũ. The Huddle cũng chính là bản thể chủ đạo và người tạo ra các Albinos, vì ở đoạn sau game cậu bé cũng đã có khả năng điều khiển những Albinos đơn lẻ mà không cần tới chiếc mũ tẩy não.

The boy hay Albinos, tất cả đều là một phần của The Huddle, được điều khiển với mục đích là trở về để giải thoát cho cơ thể chính. Trong quá trình đi tới trạm nghiên cứu nơi giam giữa The Huddle, The boy đã phải trải qua rất nhiều thử thách và bạn có để ý là, càng gần nơi khởi điểm thì những thứ cố tình khiến cậu ta chết, như các cánh tay robot, bọn lính canh và thiết bị giám sát… xuất hiện rất thường xuyên, nhưng càng về sau lúc gần trạm nghiên cứu đang giữ The Huddle thì chúng càng ít đi?

Một khu vực kiểm tra tẩy não

Lý do là khu vực nghiên cứu này thực ra là để tạo lập ra môi trường giả lập, qua đó khiến cho các mảnh của The Huddle giống như The boy tìm đường với bản thể gốc. Các nhà khoa học muốn tìm hiểu gốc rễ và cách sử dụng The Huddle, cũng như cả khả năng điều khiển tâm trí từ xa của nó, để phục vụ cho mục đích tạo ra những công cụ sống như đám Albinos mà chúng ta đã thấy.

Không phải tất cả con người đều là Albinos hay chịu sự điều khiển của The Huddle, vì như vậy sẽ không giải thích được các nhà khoa học và lính canh vẫn bình thường. Thực tế con người phải trải qua một công đoạn cấy ghép bộ phận kết nối thần kinh, cải tạo cơ thể mới có thể biến thành Albinos trong cốt truyện Inside.

Tất nhiên để làm được điều này vẫn cần con người thật, các nhà khoa học đã sử dụng một loại trùng kí sinh, thứ mà chúng ta thấy đã chui vào trong mấy con heo ở nông trại bỏ hoang khiến chúng phát điên, bắt cóc hoặc mua đám cư dân từ nơi khác đến và thực hiện thí nghiệm.

Kí sinh trùng trong các con heo điên ở trang trại

Điều này giải thích tại sao lúc đầu cốt truyện Inside, chúng ta thấy rất nhiều xe chở hàng nối đuôi nhau, cũng như hàng đoàn người đờ đẫn làm theo các tác vụ cho sẵn như những cái máy. Đây là con người thật đã bị cấy bọ kiểm soát, sau đó bị đặt thiết bị tẩy não và biến thành Albinos, thiết bị tẩy não được nối thẳng tới lồng chứa The Huddle, do vậy các nhà khoa học có thể xem xét và cải tiến nó trực tiếp ngay lập tức.

Nhưng có một vấn đề khác, đó là liệu The boy có phải một phần của The Huddle hay không, vì ở trường đoạn giải thoát, chúng ta có thể thấy các cánh tay của The Huddle đã lôi The boy vào theo cách rất cưỡng ép. Nếu nói The Boy là một kiểu phân thân để trở về giải thoát cho cơ thể gốc, thì hành động này rất không tự nhiên. Một điều nữa là The boy mạnh lên theo cốt truyện Inside, thí dụ như ban đầu cậu ta phải cần tới cái mũ tẩy não để điều khiển các Albinos, nhưng về sau thì có thể tự làm một mình luôn.

The Huddle kéo The boy vào cơ thể mình

Một giả thuyết khác được đặt ra, đó là nhân vật chính trong cốt truyện Inside chính là người chơi – tức là bạn, kẻ đang điều khiển The boy. Giả thuyết này được đặt ra ở Alternate ending, ending này sẽ chỉ mở khóa nếu như người chơi kiếm được hết tất cả các quả cầu dạng tròn ẩn tron game và hoàn thành game một lần. Khi chơi lại chúng ta sẽ tìm thấy một khu vực bí mật, có rất nhiều dây nhợ và một cái ổ cắm khổng lồ bên trong.

Khi The boy lại gần chiếc ổ cắm này và thử rút nó ra, các màn hình máy tính và mũ tẩy não xung quanh bắt đầu có dấu hiệu quá tải, khi chiếc ổ cắm rơi xuống đất cũng là lúc The boy ngưng hoạt động, trở về trạng thái “tĩnh” giống như các Albinos và màn hình trở nên tối đen.

Kết thúc thứ 2 trong cốt truyện Inside

Kết thúc này được giải thích là sau khi đã trải qua và chứng kiến mọi thứ, The boy nhận ra mình chỉ là một kẻ bị The Huddle lẫn tên ngồi sau máy tính điều khiển, do đó cậu ta đã có tình dẫn dụ người chơi đến để tháo chiếc ổ cắm, nhằm tự giải thoát cho mình.

Có 2 điều làm nền cho giả thuyết này, thứ nhất ending thứ 2 chỉ có thể lấy được sau khi bạn kiếm được 100% secret và hoàn thành game một lần, tức là biết được chân tướng sự thật ở cuộc hành trình giải cứu The Huddle. Thứ hai là người chơi không hề biết tác dụng của cái phích cắm, mà nó thực ra là ý đồ riêng của The boy, giống như cách mà Ma trận tái lập lại sau mỗi lần quân khởi nghĩa bị tiêu diệt, nhưng luôn có người được cho biết trước.

Như vậy người chơi mới là nhân vật chính tối cao và duy nhất, tác động tới toàn bộ cốt truyện Inside, The boy là nhân vật chính tiếp theo đã nhận ra cái vòng lặp này, còn The Huddle thì kém nhất bị lợi dụng từ đầu. Cái hay ở đây là The boy đã nhận ra mình chỉ là một con rối bị điều khiển, còn người chơi mặc dù biết hết mọi thứ, nhưng vẫn không thể giải được câu đố và để The boy thoát đi.

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt
The Boy rút phích cắm để tự giải thoát

Mọi thứ đều là một trò chơi được định sẵn

Có rất nhiều giả thuyết về cốt truyện Inside nghe khá là hack não, nhưng thực tế hầu hết tình tiết của nó đều đã được hé lộ trong quá trình chơi, chủ yếu là xem bạn có để ý kỹ hay không mà thôi. Cái đầu tiên chính là khu nghiên cứu, bạn có để ý nó tiện dụng một cách kì lạ, cũng như với tuần tự từ thấp lên cao để giúp tăng sức mạnh của The boy hay không?

Ban đầu The boy sẽ học cách trốn tránh sự truy đuổi của đám bảo vệ, sau đó hòa mình vào số người đã bị tẩy não để đi sâu hơn, học cách sử dụng chiếc mũ tẩy não nhằm điều khiển Albinos – bạn không thấy lạ khi chúng cố ý được để lại quá tiện dụng sao? Kể cả thử thách dưới nước khi gặp sinh vật tóc dài bí hiểm, đó cũng là một trong những lớp học giúp cho The boy mạnh lên.

Sinh vật tóc dài dưới nước

Lại nói về sinh vật tóc dài sống dưới nước, ban đầu thì chúng ta nghĩ đây là một con quái vật chuyên đi săn người và dìm con mồi tới chết ngạt, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, nó cũng là một phần của thí nghiệm và đóng vai trò tuyển chọn ra những mẫu vật phù hợp để tiến hóa. Trong lần cuối The boy gặp lại sinh vật này, cậu ta đã bị nó tóm được và dìm sâu xuống lòng hồ, sau đó là cắm một thiết bị kì lạ gì đó vào đường miệng, những tưởng The boy sẽ chết chìm nhưng sau đó cậu ta lại có thể thở được dưới nước bình thường.

Nếu để ý thì bạn sẽ thấy rất nhiều xác của Albinos nằm rải rác ở khu vực xung quanh, hầu hết đều có cắm cái dây giống như của The boy, sau đó chúng ta cũng không gặp lại sinh vật tóc dài kia nữa, cho thấy nhiệm vụ của nó đã hoàn thành. Thời điểm mà The boy có được khả năng thở dưới nước, cũng là thời điểm mà cậu ta trải qua rất nhiều thử thách và thể chất được tăng kha khá để tiếp nhận sức mạnh mới. Tình tiết này càng làm rõ hơn, đó là toàn bộ cốt truyện Inside đều được sắp đặt trong khu nghiên cứu.

Những Albinos nằm dưới đáy hồ – tất cả đều có gắn dây

Đặc tính của các Albinos là chúng đã hợp nhất với The Huddle, kể cả khi không ở gần khối thịt đó thì cũng sẽ chịu sự điều khiển tương tự. Trong quá trình chơi các bạn có thể thấy một điều, đó là nếu như một Albinos bị ngã gãy chân hoặc cơ thể có bị xé vụn ra làm nhiều mảnh, thì những phần chân/tay gãy đó vẫn sẽ phản ứng với sóng não điều khiển, điều này thấy rõ nhất khi The boy đi đến khu hầm mỏ.

Các nhà khoa học có vẻ cũng nhận ra đặc tính này, bằng chứng là họ thí nghiệm bằng việc để các Albinos phơi người trần ra dưới sóng âm thanh cực mạnh, mỗi lần nó đập xuống sẽ khiến từng phần cơ thể của chúng tan nát. Bằng cách này thì việc thí nghiệm độc lập, hay chính xác là biết được Albinos không phải nhận lệnh thông qua não bộ mà đến từ bất kì phần nào trên cơ thể, nó giống như The Huddle – một khối thịt thống nhất không phân biệt.

Cốt truyện Inside: Trí não bị chơi đùa trong nhà tù xác thịt
Thí nghiệm “xé xác” các Albinos

The boy là trường hợp đặc biệt, nếu như các Albinos chỉ là những mảng thịt vô hồn chịu sự điều khiển từ bên ngoài, thì The boy lại là dạng đã “tiến hóa” có suy nghĩ riêng trong cốt truyện Inside. Tất nhiên là như đã nói ở trên trong lần chơi đầu, thì nhiệm vụ của The boy là giải cứu cho The Huddle, nhưng ở ending thứ 2 thì cậu ta đã biết số phận của mình tại trung tâm thí nghiệm ra sao, do đó quyết tâm “rút ổ cắm” để tự giải thoát.

Điều này càng được chứng minh qua The Huddle, khi trí thông minh của cục thịt này thực sự kém. Mặc dù nó đã được The boy giải cứu, nhưng ở phần cuối game các bạn có thể thấy nó gần như là một phần thí nghiệm khác, khi các nhà khoa học cố tình dẫn dụ The Huddle làm theo những mệnh lệnh cố định, thậm chí là giúp đỡ khi nó không thể với đến những điểm cao cố định hay mở những cánh cửa bị khóa.

Các nhà khoa học giúp đỡ The Huddle

Điều này cực kỳ nghiệt ngã nếu xét theo việc The Huddle cử The boy tới giải cứu, chỉ để rồi nhận ra nó vẫn đang làm một bài test cuối cùng. Mệnh đề này càng được khẳng định chắc chắn hơn ở đoạn kết đầu tiên, khi mà The Huddle cuối cùng cũng phá được tường, lăn xuống thoát khỏi trạm nghiên cứu và tận hưởng ánh nắng vàng của tự do.

Nhiều game thủ nghĩ rằng đây là cái kết đẹp cho The Huddle, khi nó cuối cùng cũng thoát được kiếp làm vật thí nghiệm, nhưng thực ra là mọi thứ vẫn nằm trong sự tính toán của các nhà khoa học. Bằng chứng là khi trốn chạy, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy một mô hình giả lập được dựng lên, giống y chang khung cảnh bên dòng sông mà The Huddle nằm ở ending, cho thấy đây cũng là cảnh tượng “giả” và trốn thoát chỉ là mơ ước hão huyền mà thôi.

Sa bàn giống y hệt đoạn kết

Như vậy việc The boy tìm thấy The Huddle và cuộc trốn chạy, nó đơn giản chỉ là một trong hằng hà sa số thử nghiệm của các khoa học gia trong cốt truyện Inside, rốt cuộc miếng thịt này sẽ vẫn bị bắt lại. Số phận tiếp sau đó của The Huddle sẽ khá khó nói, có thể nó sẽ lại “tách” một phần của mình để trở thành một The boy khác, lặp lại chính cái hành trình vô tận không lối thoát này.

Có thể The boy mà chúng ta thấy trong đoạn kết rút ổ cắm chính là phiên bản mới, nhưng đã biết về số phận của người anh em đi trước, nên quyết định tự giải thoát để không phải trải qua địa ngục một lần nữa. Dù thế nào đi nữa thì cốt truyện Inside vẫn là một vòng lặp vô tận, với những sinh vật khốn khổ bị tẩy não, bị nuôi nhốt và chơi đùa bởi các khoa học gia vô nhân tính, số phận thực sự quá là thê thảm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *