Là một trong 5 class của Diablo 4, cũng như là class được hâm mộ và có nhiều người chơi nhất trong cả series, có lẽ Necromancer chỉ thua mỗi Sorcerer về độ nổi tiếng.
Trong Diablo 4 thì Necromancer vẫn giữ được mấu chốt là dễ sử dụng, dễ chơi và thích hợp cho newbie. Nhưng khi so sánh với những class khác về end game, thì Necromancer đang tỏ ra hơi yếu, đặc biệt khi đệ của nó khá là phế.
Bộ kỹ năng và phong cách chơi
Về cơ bản thì Necromancer trong Diablo 4 có thể chia ra làm 3 kiểu sát thương, đó là Blood, Bone và Shadow – trong đó bạn có thể xem 2 cái đầu là dạng sát thương một cục, còn Shadow là sát thương duy trì theo thời gian.
Tiếp theo đó là các kỹ năng phụ trợ như Curse và Summoning, những thứ huyền thoại như Corpse Explosion cũng được xếp vào hàng hỗ trợ, vì thứ nhất là thứ này không còn bá như ở Diablo 2 đâu, với lại những skill trong 3 nhóm đầu ở trên mới là sát thương chính của bạn.
Necromancer vẫn theo phong cách chơi chủ đạo quen thuộc, gọi đệ, đánh chết quái và bắt đầu cho nổ xác bằng Corpse Explosion. Tuy vậy bạn cũng có thể đánh như một pháp sư cận chiến, vì Necromancer của Diablo 4 có khá nhiều kỹ năng giúp sống sót tầm gần. Tài nguyên chính của class này là Essence, nó không những dùng để cast các core skill, mà gần như tất cả sát thương của Necromancer đều scale theo Essence, tức là càng nhiều Essence thì bạn càng khỏe.
Xác cũng là tài nguyên thứ 2 của Necromancer và bất cứ ai từng chơi class này, đều biết nó quan trọng ra sao. Trong Diablo 4 thì xác ngoài việc dùng cho Corpse Explosion và Summon Skeleton, thì nó còn tương tác với rất nhiều kỹ năng khác và góp phần trực tiếp giúp bạn hồi Essence.
Đây chính là lý do khiến cho Necromancer không có nhiều kiểu build đa dạng như các class khác, vì kiểu gì thì kiểu bạn cũng phải tìm cách tối ưu số xác trên màn hình, bất kể đi theo đường nào.
Nhánh Bone là các kỹ năng gây thương khủng bố, tức là bạn bắn ra một cái Bone Spear hay Bone Spirt, đủ sức để one-shot bất kì thứ gì trên màn hình trừ boss. Còn khi theo đường Blood thì sẽ biến bạn từ Necromancer thành Zombie, vì các kỹ năng trong nhánh này tuy sát thương yếu hơn Bone, nhưng lại có thể hồi máu liên tục.
Cuối cùng là đường Shadow hay Blight, tức là những kỹ năng gây sát thương theo thời gian. Hiện tại meta của Necromancer đều xoay quanh việc sử dụng Bone Spear hay Bone Spirt, vì chúng có sát thương rất cao và dễ dọn dẹp quái.
Shadow thì là một kiểu đường phụ sát thương là chính, riêng Blood thì hơi buồn phải nói nó quá sức phế, một phần vì sát thương cực tệ, với lại hồi máu cũng chẳng cần thiết lắm, vì Necromancer đã có cả tấn kỹ năng để sinh tồn rồi.
Tức là hiện tại nếu như bạn chọn chơi Necromancer, thì để đánh vào end game thì mọi người đều chọn đi theo đường Bone. Các kiểu build của class này thực ra phải nói là đang hơi bị đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có niệm Corpse Tendrils (kéo creep thành một cục), sau đó nhồi Bone Skill vào cái đống đó và lặp đi lặp lại liên tục như vậy.
Summoner Necromancer đang không thể chơi được, nói thẳng vậy cho nó nhanh. Vấn đề của đám đệ là chúng quá yếu và cần cực nhiều điểm, tức là tốn quá nhiều tài nguyên. Hơn nữa việc Diablo 4 cho phép Necromancer hiến tế đám đệ trong Book of Death để lấy thêm chỉ số, càng khiến cho người chơi không muốn sử dụng đệ và dồn điểm vào các nhánh khác như Bone, để giúp tối đa hóa sát thương hơn nhiều.
Điểm mạnh và điểm yếu
Một điều Necromancer luôn có đó là thân thiện với người chơi mới, ban đầu vào thì bạn chỉ cần spawn đám Skeleton và bắn kỹ năng bất kì, đi kèm cùng với Corpse Explosion là quá đủ cho tới tận cấp 50 – tức là hết phần chơi cốt truyện rồi. Combo của Necromancer rất đơn giản, class này cũng không cần phải chọn vị trí như Rogue, đúng như câu nói muôn thởu thì Necromancer là thứ sinh ra cho mấy người già chơi game.
Điểm yếu thì khá rõ ràng, đó là Necromancer tốn tài nguyên kinh khủng và cực kỳ khó để quản lý Essence. Hầu hết những cách giúp tăng Essence nhanh đều có liên quan tới việc sử dụng xác, điều gần như rất bất khả thi khi đánh boss, do đó mặc dù xử lý đám quái bình thường rất tốt, nhưng Necromancer lại vô cùng chật vật trong việc đánh đơn mục tiêu. Hơn nữa tuy nói là có kỹ năng hộ thân, nhưng chúng đều hồi chiêu rất lâu, thành ra end game khi không có đệ hỗ trợ Necromancer rất dễ toi đời khi đánh quái.
Một điểm yếu cố hữu khác của Necromancer đó là đồ rất đắt tiền, cũng giống như Summoner Nec tại Diablo 2 mang tiếng là dễ chơi và ít phải micro, nhưng bạn cũng cần cả tấn đồ xịn để có thể tối đa sức mạnh đám xương và đặc biệt là Teleport. Trong Diablo 4 cũng vậy, chúng ta cần rất nhiều đồ với các Aspect đặc biệt cộng thêm với Paragon cộng critical strike, để có thể đưa Necromancer trở thành một class có thể làm ăn được cái gì ra hồn vào end game.
Tuy vậy cũng chính điều này khiến cho Necromancer vẫn là class thuộc tier S, trong Diablo 4 thì với việc có thêm một nguồn tài nguyên miễn phí là xác có thể tận dụng, khiến cho Necromancer thuộc hàng đánh quái và lên cấp nhanh nhất nhì của game.
Đây cũng là class có những kỹ năng khống chế diện rộng tốt nhất trong game, Corpse Tendrils thực sự là thứ tối thượng cho mọi combo của Necromancer, khi nó kéo toàn bộ quái trên màn hình vào một chỗ, việc tiếp theo của bạn chỉ là giã Bone Spear hoặc Bone Spirt để tiễn toàn bộ chúng nó lên bảng.
Và thực tế bạn vẫn có thể chơi theo đường Summoner, tất nhiên là điều kiện bắt buộc phải có là Aspect, đồ cùng với Paragon phù hợp. Tất nhiên nếu xét rộng ra thì đây là yếu tố mà class nào trong Diablo 4 cũng cần, nhưng Necromancer bất lợi hơn ở chỗ là đồ của nó yêu cầu khá ngặt nghèo, thành ra tương đối mất thời gian và khó kiếm nếu như so sánh với những đường build của Rogue hay Druid.
Thế nên nếu bạn yêu thích một thầy đồng gọi hồn, hoặc mắt mờ tay chậm không thích nhảy nhót micro ầm ầm, thì hãy cứ chọn Necromancer – bất kể những bất lợi mà tôi vừa kể, thì khi xét toàn diện đây vẫn là class tier S của Diablo 4.