Chuyện linh tinh

ROG Ally – xu hướng mới hay một cuộc chạy đua vô nghĩa?

Góc hư cấu đã nói về Steam Deck thế nên giờ sẽ nói tiếp về Asus ROG Ally, thực tế hai thứ này chẳng qua chỉ là một, có thay đổi chút xíu mà thôi.

Về cơ bản thì ROG Ally vẫn là một cái máy chơi game cầm tay, hay nói chính xác hơn là PC chơi game cầm tay, lý thuyết nó khá hay nhưng thực tế sẽ khác.

PC cầm tay thực sự là thứ rất hay

Từ trước tới nay khi nói tới các hệ máy chơi game cầm tay, chúng ta đều mặc định nó sẽ là độc quyền của console, với cái tên lớn nhất là Nintendo. Thực tế sau khi Nintendo Switch ra đời, cũng như những tựa game bom tấn như Breath of the Wild hay series Pokemon, thì nó coi như đã thống trị tuyệt đối mà không hề có đối thủ.

Tất nhiên Sony đã bị Nintendo cho hít khói ở cuộc đua này rất lâu, từ thời PSP hay Vita rồi mới đây là dự án tay cầm trá hình máy chơi game Project Q, thì chẳng bao giờ Sony có thể thắng được cả. Nhưng nói về PC cầm tay thì đây là thứ hoàn toàn mới, nói đơn giản thì có game trên di động, game trên console thì tại sao lại không có máy chơi game cầm tay cho PC?

Project Q – Một cái tay cầm trá hình và sự lươn lẹo của Sony

Với cấu hình của ROG Ally thì bạn có thể chơi được hầu hết các game có mặt trên thị trường hiện tại, với mức thiết lập trung bình với FPS ổn định, với một cái máy game cầm tay thì như vậy đã là quá đủ, vì bản thân Nintendo Switch cũng chỉ làm được đến thế là hết, mà độ phân giải của ROG Ally còn cao hơn Switch nhiều.

Chúng ta sẽ không bàn tới việc cắm những chiếc máy này vào thiết bị ngoại vi khác, vì làm vậy là đi ngược lại tiêu chí nhỏ gọn, của một chiếc máy game có thể cầm theo người rồi. Điều hiển nhiên là những chiếc máy này không sinh ra để chơi AAA ở mức max setting, mà nên sử dụng để trải nghiệm các game indie sẽ tuyệt hơn nhiều.

Với kho tàng vô tận các game trên Steam hay Epic Store, thì những chiếc máy này cũng là sự giải trí vô tận. Có rất nhiều game mà chúng ta có thể trải nghiệm và cả cày cuốc, số lượng vượt trội hơn hoàn toàn những hệ máy console khác và đây chính là điểm ăn tiền của ROG Ally, trải nghiệm giải trí gọn nhẹ từ chính cái PC của bạn, thứ nghe thực sự rất hấp dẫn nhỉ.

ROG Ally – xu hướng mới hay một cuộc chạy đua vô nghĩa

Có rất nhiều game độc quyền trên PC, mà chỉ một thiết bị như ROG Ally mới có thể giúp bạn chơi mọi lúc mọi nơi. Thí dụ như dạo này Góc hư cấu tôi đang cày cuốc Diablo 4, khốn nỗi đây là một game online và có những khung giờ săn boss hay làm sự kiện cố định, đôi lúc nếu như phải ra ngoài hay đi đâu đó mà không có PC thân thuộc, thì chúng ta đành phải chấp nhận bỏ lỡ chúng.

Bây giờ có ROG Ally thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần lôi nó ra là xong, thường những sự kiện kiểu này thường chỉ kéo dài từ 15 tới 30 phút, đáp ứng đúng tiêu chí nhanh gọn của một máy game cầm tay, cho phép bạn cày cuốc ở bất kì đâu.

Dĩ nhiên Diablo 4 chỉ là ví dụ đơn giản nhất thôi, bạn cũng có thể chơi hàng trăm hàng nghìn game khác tương tự, việc được trải nghiệm cả kho tàng trên Steam của mình mọi lúc mọi nơi, đúng thật là rất hấp dẫn đúng không. Nên nhớ không phải game nào trên PC cũng lên console hay mobile, nên nếu muốn làm việc này thì các máy game như ROG Ally là sự lựa chọn duy nhất.

Những điểm bất lợi của ROG Ally và thể loại này nói chung

Đầu tiên bất kể các hãng sản xuất có quảng cáo đến thế nào chăng nữa về cấu hình, thì chúng ta vẫn cứ phải đồng ý với nhau, các dạng máy như ROG Ally hay Steam Deck nó vẫn là một dạng máy chơi game, để có thể so sánh với những sản phẩm đồng cấp giống như nó. Những cái máy này sinh ra là để chơi game, có thêm là lướt web hoặc xem phim, chắc chắn là không thể làm việc trên cái màn hình bé tí đó được.

Điểm đầu tiên cần phải nói về ROG Ally hay tất cả những máy chơi game dạng này về sau, đó chính là thời lượng pin. Với việc ROG Ally chỉ có thể hoạt động trong khoảng 2 tiếng, còn Steam Deck thì khoảng 3 tiếng, so sánh với 5 tiếng của Nintendo Switch, đã là một vấn đề khổng lồ rồi. Chúng ta không bàn tới việc pin sạc dự phòng ở đây, vì như đã nói máy game cầm tay phải là độc lập và gọn nhẹ hết mức có thể.

Vấn đề thứ hai chính là hệ thống điều khiển, khác với console được cố định từ đầu và các nhà phát hành sẽ trực tiếp thiết kết sao cho phù hợp nhất, thì ROG Ally là một cái máy chơi game PC, mà trên PC thì bạn biết rồi đấy các dòng game nó cực kỳ rộng và không phải cái nào cũng giống nhau.

Nói đơn giản thì bạn không thể đem ROG Ally hay Steam Deck đi chơi MOBA được, tất nhiên chạy thì vẫn chạy được bình thường, nhưng chắc là không ai tính vẩy AWP hay quẩy Invoker bằng cái tay cầm đấy chứ hả.

Chúng ta cũng không cần bàn tới việc cắm chuột và bàn phím (lý do tại sao thì chắc tôi không cần giải thích), tức là chắc chắn sẽ có những game mà hệ thống điều khiển trên ROG Ally không thể đáp ứng được. Có thể trong tương lai khi những hệ máy này phổ biến toàn thế giới, bắt buộc các nhà phát hành sẽ phải tối ưu cho chúng như console chính thống, nhưng đó là câu chuyện vẫn còn rất rất xa phía trước.

Một điều nữa là người dùng cũng phải nhìn nhận thực tế, là họ sẽ chỉ chơi các game đơn giản, còn không thì phải chấp nhận hạ cấu hình xuống mức thấp nhất nếu muốn trải nghiệm game AAA. Đây là vấn đề thường thức của các hệ máy cầm tay, vì nó phải cân bằng giữa trải nghiệm người dùng và thời lượng pin, thí dụ như nếu so sánh giữa Nintendo Switch và ROG Ally, thì rõ ràng Switch chiếm ưu thế tuyệt đối, mặc dù hình ảnh có kém chất lượng hơn một chút, nhưng thời lượng chơi gấp đôi lại là khác biệt quá rõ ràng.

Hiện tại các dòng máy kiểu PC cầm tay này vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng nhồi nhét phần cứng, để thu hút game thủ bằng các clip quảng cáo cấu hình mang đậm chất PC master race. Bọn họ quên rằng với những máy chơi game dạng này, thời lượng pin và sự tiện dụng mới là yếu tố quan trọng nhất.

Đó là chưa kể ROG Ally nặng tới 600 gram, Steam Deck cũng có cân nặng gần tương tự như vậy, tức là gần gấp đôi Switch. Đây là điều ít người để ý, nhưng nếu cầm một thứ như vậy trong thời gian dài sẽ gây khó chịu. Tức là những chiếc mày này vẫn chưa thoát được tư duy hầm hố to nặng của PC, nó đi ngược lại tiêu chí của máy chơi game cầm tay.

Cuối cùng quan trọng nhất là giá thành và game độc quyền, hiện tại ROG Ally có giá khoảng 600 đô hoặc khoảng 16 triệu tại thị trường Việt Nam, một lần nữa nó đắt gấp đôi Nintendo Swtich và gấp rưỡi các hệ máy console khác như Playstation 5. Giá thành như vậy sẽ là rào cản tương đối cho những ai muốn trải nghiệp hệ máy này, nhất là khi nó chỉ là một cái PC cầm tay và không hề có game độc quyền.

Chúng ta phải phân biệt rõ giữa game độc quyền cho từng hệ máy, bản chất của những chiếc máy như ROG Ally là một dạng “ăn theo” PC, chứ không phải một hệ máy console độc lập. Điều này sẽ dẫn tới một vấn đề là ROG Ally nói riêng và PC nói chung, sẽ có sản phẩm nào đủ hấp dẫn để khiến người chơi bỏ tiền ra.

Hiện tại thì chưa có nhà phát triển nào nghĩ tới việc làm game riêng cho chúng cả, còn những game độc quyền cho PC thường là AAA và yêu cầu phần cứng tương đối, bạn sẽ không muốn trải nghiệm chúng trên cái cấu hình và màn hình của ROG Ally đâu đúng không nào.

Xu hướng tương lai hay cuộc chạy đua vô nghĩa

Sự có mặt của Steam Deck và ROG Ally, cũng như việc Sony rục rịch trở lại thị trường máy chơi game cầm tay với Project Q, đã cho thấy một làn sóng mới cho dòng máy này. Xét theo nhu cầu của thị trường, thì đáng lý chúng phải xuất hiện sớm hơn mới đúng, cứ nhìn cộng đồng hype thế nào khi Steam Deck và giờ là ROG Ally ra mắt thì biết.

Hiện tại mới chỉ có các sản phẩm đơn lẻ như Steam Deck và ROG Ally, nhưng nếu như chúng thành công thì sẽ rất nhanh sẽ có các ông lớn khác nhảy vào. Không như các hệ máy console như Nintendo Switch – phải lo lắng vấn đề game độc quyền, thì vốn dĩ PC nó đã là thánh địa của game thủ rồi, cũng giống như vòng xoay giữa các game bom tấn và card màn hình, phải có một thứ gì đó bắt đầu thì nó mới bắt đầu được.

ROG Ally – xu hướng mới hay một cuộc chạy đua vô nghĩa

Nhưng viễn cảnh tươi đẹp đó vẫn còn ở rất xa phía trước, thực tế thì những chiếc máy PC cầm tay này mặc dù rất được trông ngóng, nhưng thực tế thì rất khác. Thí dụ như Steam Deck ra mắt cách đây đã 2 năm, lúc đó nó thậm chí còn được đánh giá cao gấp nhiền lần ROG Ally hiện tại, nhưng sau 2 năm thì số lượng Steam Deck được tiêu thụ chỉ rơi vào 3 triệu – khá là ít so với những gì mà người ta kì vọng.

Có khá nhiều lý do cho việc này, như là khâu sản xuấn gặp vấn đề, số lượng Steam Deck bán ra không đủ nhu cầu và thiếu việc phân phối đại trà đến các khu vực trên thế giới. Nhược điểm của Steam Deck ngoài thời lượng pin ra, còn là sự khác biệt giữa 2 phiên bản máy, cấu hình hạn chế cũng như dung lượng tương đối giới hạn cho phiên bản basic.

Giá thành như đã nêu ở trên cũng là rào cản lớn cho hệ máy này, nếu như Sony có thể chấp nhận bù lỗ cho Playstation bằng việc dụ người dùng mua đĩa, mua các game độc quyền, thì Steam Deck hay ROG Ally không thể làm được điều này, vì vốn game của chúng đã là PC rồi.

Chúng ta sẽ lập thành một cái vòng lẩn quẩn, đó là giá thành máy quá cao khiến cho linh kiện hạn chế, dẫn tới đầu ra khó tiếp cận và khi số lượng máy bán ra không đạt kì vọng, thì việc nghiên cứu để cho ra các phiên bản tiếp theo sẽ bị đình trệ. Với số tiền gần 17 triệu cho một chiếc ROG Ally, thì thực tế ở thị trường Việt Nam liệu có bao nhiêu game thủ sẵn sàng móc hầu bao để trải nghiệm nó.

ROG Ally – xu hướng mới hay một cuộc chạy đua vô nghĩa

Và khác với những cuộc chiến console war, khi các ông lớn thu hút game thủ bằng những hệ máy mới, hậu mãi và đặc biệt là game độc quyền. Nếu như Microsoft có thể thua kém Sony thời ginan trước, thì nay bằng việc cho ra mắt Game Pass họ đã từ từ cân bằng lại.

Nhưng các chiếc PC cầm tay lại là câu chuyện khác, bọn họ chỉ có thể xoay quanh một thứ duy nhất là thời lượng pin, không thể nào thu hút game thủ bằng game độc quyền hay cái gì đó tương tự được. Tức là nếu như trong tương lai khi có nhiều ông lớn gia nhập cuộc đua này, thì sự khác biệt giữa những hệ máy là không nhiều, tức là miếng bánh này về cơ bản nó đã rất ít và thiếu sự đa dạng ngay từ đầu.

Cuối cùng là tư duy phát triển, câu hỏi là liệu PC cầm tay là thiết bị giải trí gọn nhẹ, hay là ai cũng muốn nhồi nhét phần cứng để quảng cáo là có thể chơi AAA mượt mà. Giống như meme ai cũng muốn đánh bại Switch, nhưng vốn Switch không quan trọng phần cứng mà là kho game siêu đỉnh của nó, chừng nào chưa vượt qua vấn đề này thì mọi thứ là vô nghĩa.

ROG Ally – xu hướng mới hay một cuộc chạy đua vô nghĩa

Hiện tại chỉ mới ROG Ally gia nhập cuộc chơi, trong khi Steam Deck có phần im hơi lặng tiếng suốt cả năm qua, nên chưa thể gọi nó là cuộc đua được. Có thể trong tương lai khi công nghệ phát triển, thì PC cầm tay sẽ trở thành xu hướng mới và thực sự đáng để sở hữu, nhưng hiện tại nó vẫn dừng ở mức tiềm năng mà thôi.

Các bạn nghĩ gì về ROG Ally và những chiếc máy chơi game tương tự, xu hướng và tương lai của dòng máy này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *