Chuyện linh tinh

Emperor và những lần ngồi xây thành phố nửa ngày cùng bạn bè

Nói về thể loại game xây dựng thành phố, thì Emperor: Rise of the Middle Kingdom (hay gọi tắt là Emperor) luôn là kí ức khó quên một thời chưa có internet.

Mặc dù không nổi tiếng như Pharaoh hay đặc biệt là Zeus, nhưng Emperor sở hữu một thứ vô cùng đáng giá, đó là cho người nhiều người chơi cùng lúc, với các trận đánh vui vẻ nhất tại các hàng game.

Emperor: Rise of the Middle Kingdom và dòng game xây dựng

Ngày nay các game xây dựng hay mô phỏng thành phố là cực kỳ phổ biến, nhưng vào thời điểm những năm 199x tới đầu 2000, thì dòng game này tương đối ít ỏi và đại diện phổ biến nhất của nó là những cái tên như: Ceaser, Pharaoh, Zeus và Emperor. Chúng đều nằm trong một series các game xây dựng theo chủ đề lịch sử, nếu đã chơi qua thì bạn sẽ thấy sự tương đồng rõ rệt về lối chơi, nhưng sự khác biệt về bối cảnh và địa lý đã khiến tất cả đều có sức hút riêng.

Emperor: Rise of the Middle Kingdom là game cuối cùng trong series, mặc dù đạt được một số thành công nhưng tổng thể thì nó không được đánh cao, chủ yếu vì bị cái bóng quá lớn của Zeus: Master of Olympus che lấp. Tuy vậy tại Việt Nam thì tựa game này rất được lòng game thủ, phần nhiều là do sự tương đồng văn hóa, cũng như các anh hùng và thần thánh trong lịch sử Trung Hoa, vốn được rất nhiều người quen mặt.

Emperor và những lần ngồi xây thành phố nửa ngày cùng bạn bè

Góc hư cấu tôi sẽ không đi sâu vào lối chơi của Emperor, nó cơ bản là một game hay và bạn nên thử qua nếu có dịp. Điểm tốt nhất của tựa game này là phần hình ảnh, các kiến trúc Trung Quốc cổ đại dưới dạng 2D cực kỳ chi tiết và sống động, đem lại trải nghiệm khác hẳn so với những game theo đề tài Châu Âu trước đó. Hơi thiên vị một chút thì tôi nghĩ Emperor là game đẹp nhất trong cả series, tuy vậy về khoản trang trí nhà cửa nó vẫn không bằng Zeus.

Cần nhớ những năm đó là thời hoàng kim của thể loại RTS và không phải ai cũng thích các game xây dựng thành phố, nhất là khi bạn sẽ phải tìm hiểu chi tiết về từng công trình. Ngày nay việc xây ruộng lúa trước rồi cối xay làm ra bột, bột làm ra bánh mỳ và từ bánh mỳ chuyển tới nhà dân là điều rất cơ bản, nhưng khi đó nó là cả một quá trình dài dằng dặc, không phải ai cũng làm quen được và có thời gian tìm hiểu chúng.

Emperor và những lần ngồi xây thành phố nửa ngày cùng bạn bè

Nhưng mà tôi sẽ không ở đây để nói về gameplay mà là thứ khiến cho Emperor trở nên đặc biệt, đó là chế độ multiplayer.

Kí ức hay ho một thời OnLan

Góc hư cấu tôi sẽ không dùng từ “quán net” để nói về những cửa hàng game thời đó, vì vào đầu những năm 2000 thì khái niệm chơi game trên internet còn chưa ra đời. Host một trận LAN có lẽ là cụm từ chính xác hơn để hình dung, nói về LAN thì là cả một bầu trời tuổi thơ với nào là Half-Life, Starcraft, Age of Empires, Cossacks và rất rất nhiều game đỉnh cao khác, nhưng trong bài viết này thì tôi muốn nói nhiều về Emperor.

Thường thì một trận LAN diễn ra khá nhanh, chủ yếu là đâu phải thằng nhóc nào cũng có đủ tiền giờ. Cá biệt có Heroes III khi đó kéo dài hàng tiếng – nhưng đó là trường hợp khác, với lại nó cũng không vui bằng chơi Emperor. Cái hay của việc này là nó giúp bạn không “tự kỉ” xây thành phố một mình, mà được tương tác với bạn bè mình.

Việc có chế độ multiplayer đã khiến cho Emperor trở nên khác hẳn, kể cả là khi so với các game có chế độ LAN khi đó. Không như Heroes III bạn phải chờ đối thủ đi xong, thì Emperor mọi thứ diễn ra liên tục như một game RTS, nhưng kiểu gì thì kiểu vẫn phải tốn thời gian xây dựng.

Chơi Emperor đặc biệt vui khi chỉnh chế độ khó nhất, vì nó sẽ có liên tục các thảm họa thiên nhiên xảy ra, tôi còn nhớ một trận mình có vùng đất rất ngon, đang xây tốt lành thì lũ một phát cuốn trôi nửa thành phố, đúng là chỉ biết ngồi cười trừ. Chơi Emperor LAN chủ yếu về sau toàn mua lính sang đánh nhau, chứ chả đứa nào quan tâm xây dựng nữa, cũng không thể không nhắc tới hệ thống triệu hồi thần thánh.

Các vị thần trong Emperor đều lấy theo huyền thoại Trung Hoa như Nữ Oa, Thần Nông, Tây Vương Mẫu… nhưng vị thần được triệu hồi nhiều nhất chính là Tôn Ngộ Không. Một phần vì đứa trẻ con nào cũng thích Tôn Ngộ Không, cơ mà quan trọng hơn là gọi ra Hầu Tử rất dễ khi chỉ cần dâng đá là xong, đúng nghĩa khỉ đá luôn.

Emperor và những lần ngồi xây thành phố nửa ngày cùng bạn bè

Trong Emperor khi bạn điều lính sang một thành phố khác, thì cảnh chiến đấu nó chỉ diễn ra tại màn hình của kẻ đang bị tấn công, do đó khi tuyên chiến thì thằng này thường chạy qua máy của thằng kia, để xem thần thánh của mình làm ăn thế nào. Đây là thứ mà không một game nào thời đó có được cả, chơi game xây thành phố đáng lý phải chill chill, nhưng chơi Emperor qua LAN thì hò hét còn hơn cả MOBA bây giờ ấy.

Chỉ đáng tiếc là từ sau Emperor, các tựa game như vậy cũng không được phát triển tiếp tục, hiện tại thì dòng game xây dựng mô phỏng này vẫn rất hay, nhưng vẫn không thể so sánh được với những lần chơi LAN ngày trước. Tôi thực sự cảm thấy rất vui vì mình đã từng có những kỉ niệm đẹp của game thủ như vậy, đặc biệt là với một trò tưởng chừng sẽ hòa bình như Emperor.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *