Về Diablo II: Resurrected thì lúc trước Góc hư cấu tôi cũng đã nói một lần, đó là cái game này giống như một trò lừa gà vắt sữa, một cú đẩy gậy vào lỗ lần thứ N và nó hên đã thành công. Nhưng xét tổng thể lại, Diablo II: Resurrected vẫn là một cái game chán ốm, chẳng có gì để chơi nói thế cho nhanh.
Diablo II: Resurrected làm cực tốt trong khâu lừa gà
Giờ cũng lần trước, tôi vẫn phải nói lại câu cũ về phần tốt nhất của Diablo II: Resurrected, đó là hình ảnh và tối ưu. À thì nếu xét theo tiêu chuẩn cách đây 20 năm, thì quả thật cái game này đã remaster ra hồn thật, không xét tới vấn đề 4k hoặc hơn thì hình ảnh của Diablo II: Resurrected rất mượt mà, chạy ngon lành trơn tru không có lỗi lầm gì đáng kể hết.
Rất nhiều thứ thiếu sót từ phiên bản cũ cũng được cải tiến trong Diablo II: Resurrected, đó là HUD nhiều thông tin hơn, hòm đồ rộng hơn và có thể share lẫn nhau, Cow Level giờ được đi thoải mái, bảng skill dễ nhìn hơn và vài thứ lặt vặt khác. Nói chung thì Blizzard đã làm nhiều thứ để khiến game dễ chịu hơn, cơ mà nói đi nói lại thì bọn họ có tận 20 năm để suy nghĩ đấy, nếu chỉ bao nhiêu đó mà còn không làm được thì nên đốt luôn trụ sở cho rồi, mà đây là game remaster với giá 40 đô, chung quy vẫn là đắt lòi.
Mấy hôm nay khi lên mạng, coi stream hay vào mấy group Diablo 2 cũ, tôi đều nghe đi nghe lại một câu duy nhất về Diablo II: Resurrected đó là: “Trời ơi hình đẹp lắm, nét căng chơi sướng cả mắt”. Ok cái này hiển nhiên là tốt nếu xét theo chuẩn remaster, vì công nhận là Diablo II: Resurrected đã nâng cấp hình ảnh ăn tiền thật, nhưng mà từ trước tới giờ có ai chơi Diablo 2 vì đồ họa hay đi ngắm cảnh chưa?
Khi bạn bỏ 40 đô và nhận lại một cái game remaster, lúc đó bạn đã biết mình bị lừa cm nó rồi. Để so sánh thì một cái bom tấn AAA cũng chỉ có giá từ 60 đô thôi đấy, để cho dễ tính hơn nữa thì chúng ta có tựa game mới New World của Amazon – thứ sau khi được Steam trợ cấp thì có giá tiền bằng phân nửa Diablo II: Resurrected (chỉ tính thị trường Việt Nam). Giờ giữa một cái bom tấn mới toanh và một cái game remaster tuổi đời còn lớn hơn đám thanh niên vừa thi đại học, thì khỏi cần nói cũng biết Blizzard làm “giỏi” thế nào rồi nhé.

Mà tôi cũng không hiểu lắm từ khi nào “hình ảnh làm lại đẹp” là chuẩn để đánh giá mấy sản phẩm kiểu này, thà nó là game mới cứng đi thì thôi khen cũng được, chứ đây là remaster thì… Nói thực làm theo khuôn có sẵn mà còn xấu nữa thì đúng là chỉ có bọn ăn hại – trùng hợp làm sau chúng ta lại có Warcraft III: Reforged, cũng từ Blizzard mà ra nhé.
Có cái quái gì mà chơi nữa?
Góc hư cấu tôi đã chơi Diablo 2 bản cũ chắc tính bằng hàng ngàn giờ, mà từng đó vẫn chưa là cái đinh gì và cũng chưa thể biết hết số lượng build mà game có, nói như vậy để các bạn hiểu nội dung của Diablo 2 nó khủng khiếp tới mức độ nào. Lúc Diablo II: Resurrected phát hành, tôi cũng bị cuốn theo không khí đang hype tới nóc, biết rằng nó chả có cái quái gì đâu nhưng ma xui quỷ khiến thế nào vẫn mua, giờ thì đã bỏ xó cụ nó game rồi.
Vấn đề cơ bản đó là mặc dù nội dung của Diablo II: Resurrected vẫn lớn thật, nhưng nếu là một người đã chơi game đủ dài, ít nhất có một build hoàn chỉnh ở Hell, thì bọn họ cũng giống như tôi biết một thứ gọi là “công thức chung”. Vì điều cơ bản cho tất cả các class trong Diablo II: Resurrected đó là: tăng max vit, đớp res điên cuồng và build theo runewords từng cấp.
Bất cần biết là class gì và chơi theo đường nào, công thức này 100% luôn đúng, chúng ta không phải suy tính xem nên tăng chỉ số nào, cứ vit mà táng max, str vừa đủ để đeo đồ là xong, dex thì tùy hoàn cảnh còn energy là thứ vứt sọt rác. Đồ đạc tương tự, vì trừ khi ăn dâm nhặt được unique xịn, còn đâu runewords sẽ giải quyết tất cả, nó thậm chí còn có thể viết ra thành sách chính xác từng dòng.
Tôi ban đầu chơi Diablo II: Resurrected quyết định thử sang đường Druid fury, xong khi lên tới Hell chuẩn bị mấy tiết mục cày cuốc rune để đắp end game thì thôi dẹp, vì từ đây về sau đúng nghĩa là trâu chó thủ công. Với một game thủ mới tiếp cận có lẽ sẽ hứng thú, chứ đám đã chơi nát nước thì chẳng còn gì vui cả, vì muốn tối ưu stats thì gần như bạn chỉ có 1 đường duy nhất để đi, 90% build có liên quan tới enigma – từng đó là đủ nói hết rồi đấy.

Tất nhiên vẫn còn một số người đã chơi qua bản gốc vẫn sẽ hứng thú với Diablo II: Resurrected, đó là những game thủ chưa thể tới được endgame hoặc không biết runeworlds là gì. Cái này vào thời điểm Diablo 2 ra mắt không phải hiếm, vì lúc đó internet chưa ra đời, ai mà tổng hợp được mấy trăm cái công thức mà biết để ghép. Giờ thì hướng dẫn, wiki và guide là hàng đống, thì có thể coi đó vẫn là một bầu trời mới hoàn toàn.
Lý thuyết là thế, thực tế thì khác, vì biết runewords là một chuyện còn cày được mấy cái rune endgame là vấn đề mệt mỏi lắm đấy. Vả lại những game thủ mà tôi nói ở trên chắc cũng chả đủ kiên nhẫn mà chơi tới đó được, bọn họ kiểu mua Diablo II: Resurrected cho vui để tìm lại chút kí ức tuổi trẻ, chứ còn bảo cày tới nóc ấy à… nghe nó hoang tưởng lắm.
Cuối cùng Diablo II: Resurrected vẫn là cái game cũ rích, cái game mà ta đã biết tới vị trí từng con quái, từng món đồ và từng dòng công thức. Nó chẳng có của nợ gì hay ho và cũng chẳng có cái quái gì để níu chân cả, chơi một cái game mà chưa cần bước ra đường cũng biết chính xác 100 giờ sau nhân vật mình sẽ ra sao, nói thực thì thực sự nhàm tới tận cổ.
Điều tôi mong ước nhất bây giờ là có thể refund Diablo II: Resurrected, nhưng mà nó chắc chắn không được rồi.