Chuyện linh tinh

Dino Crisis và tại sao nó không phát triển được như Resident Evil

Dino Crisis hay Săn Khủng Long như cách gọi ở Việt Nam, là một game cực kỳ có tiềm năng bất chấp việc luôn bị coi như clone của Resident Evil.

Mặc dù vậy thì sau 2 phần đầu khá thành công, Capcom đã tự thò tay xuống đũng quần mà bóp thật mạnh, để cho ra một cái game kinh tởm gắn mác Dino Crisis 3, để từ đó khai tử cả series này luôn.

Dino Crisis và tại sao nó không phát triển được như Resident Evil

Dino Crisis KHÔNG phải bản sao của Resident Evil

Tất nhiên dù nói thế nào chăng nữa, ấn tượng của người lần đầu tiên chơi Dino Crisis đều là – đây là Resident Evil nhưng thay Zombie bằng khủng long. Đây là điều không thể phủ nhận, vì sau thành công quá lớn của 2 bản Resident Evil đầu tiên, Capcom muốn nhanh nhanh chóng chóng mà kiếm tiền từ thương hiệu này.

Chính vì thế mà khi làm Dino Crisis, Capcom đã kéo hết đội ngũ phát triển từ Resident Evil qua, trong đó quan trọng nhất là đạo diễn Shinji Mikami. Thậm chí bọn họ còn chẳng thèm che dấu ý định vắt sữa, vì trong cái promo art quảng cáo cho Dino Crisis, công ty đã lồng luôn câu quan trọng nhất là “từ những người làm ra Resident Evil”.

Và thành phẩm là bản Dino Crisis đầu tiên quả thực giống y chang Resident Evil, cụ thể ở đây là phần 3. Bạn có thể thấy sự tương đồng giữa 2 nhân vật chính đều là nữ, bối cảnh cũng trong một khu vực bị tấn công bởi Zombie/khủng long, khung cảnh vào buổi tối. Các phân đoạn hù dọa và không khí rùng rợn na ná nhau, quan trọng nhất là camera tĩnh và cả phần mở cửa huyền thoại của Resident Evil nữa.

Tuy vậy những ai đã chơi Dino Crisis đều sẽ cảm thấy sự khác biệt, rõ ràng nhất là việc thiết kế quái vật, khi những con khủng lo và đặc biệt là T-Rex đáng sợ hơn Zombie nhiều. Nếu như Resident Evil bạn còn có một tí hope khi nhìn thấy Tyrant hay Nemesis, thì sang Dino Crisis chạm mặt con T-Rex lần đầu, mọi tế bào của bạn lúc đó chỉ có đúng một chữ là CHẠY mà thôi.

Hơn nữa do được thừa hưởng nguyên những gì tinh túy nhất của Resident Evil, nên Dino Crisis chỉ cần không quá tệ là đã đủ hốt sạch fan của người anh nó rồi. Sự thực thì game được khen rất nhiều, tổng số bán ra của nó đạt 2,4 triệu bản, so sánh với Resident Evil 3 sau đó là 3,5 triệu là quá thành công.

Dino Crisis thậm chí còn nằm trong top các game có doanh số cao nhất của Capcom trong năm, nên không có gì lạ khi bọn họ quyết tâm phát triển series này lên, cho ra phần tiếp theo rất nhanh chỉ 2 năm sau và thậm chí còn làm tốt hơn nhiều.

Dino Crisis 2 và bước nhảy vọt đáng kinh ngạc

Quyết định đúng đắn nhất của Capcom khi làm Dino Crisis 2, đó là chuyển nó từ kinh dị-sinh tồn (survival-horror) thành hành động thuần túy (action). Bọn họ điều chuyển Shinji Mikami khỏi vị trí đạo diễn, thay đổi toàn bộ cốt lõi trong lối chơi khi bỏ hoàn toàn yếu tố kinh dị cùng giải đố, biến game trở nên nhanh và thuần túy là bắn khủng long.

Bạn có thể nhận ra rất rõ điều này, khi bối cảnh game chuyển từ đêm sang ngày, các khu rừng và công trình được làm sáng sủa hơn. Quan trọng nhất là Dino Crisis 2 có hệ thống tính điểm khi hạ khủng long, từ đó cho phép bạn mua đạn và nâng cấp súng ở các điểm save ngay trong game (cơ chế mà Resident Evil 4 về sau cũng đưa vào).

Hệ thống 2 vũ khí chính phụ, cũng như cho phép đổi tua 2 nhân vật chính với combo súng khác nhau, đã biến Dino Crisis 2 thành một game hành động chất lượng, bắn rất là sướng tay chứ không phải nhăm nhe tính từng viên đạn nữa.

Nói thực thì ở thời điểm đó sau 3 game Resident Evil, cùng một đống clone và những siêu phẩm kinh dị khác, game thủ bắt đầu chán thể loại này và tìm tới những thể loại khác. Dino Crisis 2 đã đi trước đón đầu xu thế, vì nếu cứ tiếp tục làm theo kiểu kinh dị cũ, nó cũng chả thể phát triển theo cách của Resident Evil được.

Lý do là vì cốt truyện của Dino Crisis không phải kiểu vũ khí sinh hóa, mà là công nghệ du hành thời gian. Đám khủng long đơn giản là bị đem từ quá khứ tới mà thôi, hơn nữa tuyến thời gian trong cái game này rất lằng nhằng, chứ không chặt chẽ như Resident Evil. Khả năng cao là Capcom cũng chẳng nghĩ nó thành công được, nên đầu tư cốt truyện khá là sơ sài, do đó đi theo hướng hành động chứ không phải tiến hóa virus là hợp lý.

Dino Crisis 2 bán được hơn 1 triệu bản, mặc dù chỉ bằng phân nửa phần một nhưng cũng đủ thành công về mặt thương mại, từ đây Capcom đã chính thức coi nó là series độc lập để phát triển. Một vấn đề khác là Dino Crisis 2 ra đời khi Playstation 1 đã hết vòng đời, các game về sau sẽ chuyển hết lên Playstation 2, nên có thể doanh số của nó không được cao như phần một.

Nếu như Capcom có thể tiếp tục phát triển lối chơi của Dino Crisis 2, giữ cái mạch truyện đó xuyên suốt và đưa nó lên next-gen, thì mọi chuyện đã quá đơn giản. Nhưng không, cái hãng này đã tự bóp và bóp mạnh vô cùng, để khai tử luôn series này theo cách không thể ngớ ngẩn hơn được.

Mọi sự đều ổn nếu bạn không tự hủy

Theo kế hoạch thì Dino Crisis 3 sẽ ra mắt vào khoảng 2002 hoặc 2003, trước đó Capcom cũng cố gắng vắt thêm sữa với Dino Stalker – một cái game vớ vẩn kiểu bắn súng acarde hoàn toàn không liên quan gì, dù sao thì đây cũng chỉ là spin-off và mọi người đều chờ đợi Dino Crisis 3.

Có khá nhiều thứ để nói về việc tại sao Dino Crisis 3 là một đống rác không thể cứu chữa, vấn đề đầu tiên là nó độc quyền trên Xbox, chứ không phải Playstation 2. Lý do Capcom đưa ra vì phần cứng của Xbox khi đó tốt hơn Ps2, nhưng cả 2 bản Dino Crisis đầu tiên đều là trên Ps1 và như chúng ta biết, game thủ 2 hệ máy này có sở thích rất khác nhau, cho nên làm như vậy rất nhảm nhí.

Dino Crisis 3 cũng chẳng phải siêu phẩm khủng khiếp gì, để những ai đang sở hữu Ps2 phải bỏ tiền ra mua Xbox cả, nên chưa cần biết chất lượng ra sao, Capcom đã muốn chặt đi cả 2 tay của mình rồi. Cơ mà nếu chỉ có thế thì vẫn chưa nát lắm đâu, cái hay còn ở phía sau cơ.

Ở trên Góc Hư Cấu có nói cốt truyện của Dino Crisis không hay, đúng hơn là nó có plot hole rất nhiều, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn nên phá nát mọi thứ làm lại từ đầu. Thay vì tiếp tục cốt truyện với 2 nhân vật chính Dylan và Regina, thì Capcom đã đổi toàn bộ, bỏ đi bối cảnh cũ và đưa game thủ tới một tương lai xa lắc 500 năm sau trên không gian. Ừ thì Dino Crisis 3 vẫn có khủng long, nhưng nó hoàn toàn không liên quan gì tới 2 phần trước cả.

Thực tế lúc đầu Dino Crisis 3 định lấy bối cảnh trong một cơ sở nghiên cứu bỏ hoang bị khủng long xâm chiếm, nhưng do thảm họa 11/9 nên mấy thứ như đổ nát hay có liên quan tới phá hủy thành phố trở nên nhạy cảm, thành ra Dino Crisis 3 phải thay đổi. Cơ mà có rất nhiều đề tài để phát triển, kể cả là có mang lên vũ trụ thì cũng đâu cần thiết phải xóa nguyên dàn nhân vật cũ, vì cơ bản Dino Crisis đã có liên quan tới du hành thời gian rồi. Nếu như mang lên Xbox là Capcom đã chặt mất 2 tay, thì đổi cốt truyện là chặt luôn 2 chân, nhưng như vậy vẫn chưa phải là thứ tệ nhất đâu.

Cái đóng hòm Dino Crisis 3 cho chết hẳn là lối chơi tệ hại của nó, vẫn giữ phong cách hành động làm chủ đạo như ở phần 2, bổ sung thêm một cái jetpack cho nhân vật chính bay lượn, nhưng camera của cái game này thực sự là thảm họa. Capcom đã cố gắng để chuyển sang camera tự do, nhưng không hiểu sao vẫn chơi cái trò 2 khung hình nối tiếp nhau kiểu cũ, chứ không phải liền một mạch.

Kết quả là khi di chuyển với tốc độ cao sát góc màn hình, bạn sẽ bị chuyển cảnh đột ngột cực kỳ khó chịu, chưa kể camera sẽ quay ngược lại, tạo cho bạn cảm giác bị rối vì nhân vật vẫn đang đi lên.

Mấy chỗ đánh nhau thì rõ rộng, nhưng camera lại không bao quát hết được, cộng thêm game vẫn dùng auto-aim, thành ra bạn sẽ thấy nhân vật của mình ngắm vào các mục tiêu không xuất hiện trên màn hình rất nhiều. Thực tế đây Resident Evil hay Dino Crisis 2 phần đầu vẫn có tiết mục này, nhưng một cái hành lang bé tẹo rất khác một cái tàu vũ trụ đó.

Dino Crisis 3 được bình chọn là game có hệ thống camera tệ nhất mọi thời đại, nó bị chửi thậm tệ, tới mức game thủ bảo 80% thời lượng bọn họ dành ra là để đánh vật với cái camera chết toi này.

Tôi lúc Dino Crisis 3 ra mắt không có Xbox, về sau tải giả lập về trải nghiệm thì đúng là còn hơn cả thảm họa, đặc biệt là những chỗ bay lên cao hay qua cửa hẹp, game nhảy màn hình liên tục tới mức phát điên lên được.

Và cũng đừng hi vọng gì vào hình ảnh của Dino Crisis 3, vì mấy con khủng long trong này trông giống như quái vật ngoài hành tinh nhiều hơn, cảm giác chân thực giảm đi rất nhiều, cứ như bạn đang bắn nhau trong công viên chủ đề ấy.

Với chừng đó sự tệ hại không thể chấp nhận, không có gì lạ khi Dino Crisis 3 đã giết chết dòng game này, với đầu tên là sự ngu độn của Capcom. Cho nên không phải là Dino Crisis không được quan tâm hay không kiếm được nhiều tiền, mà nó đã bị chính cha đẻ của mình bóp cho bờm đầu.

Một điều tốt là trong xu hướng remake Resident Evil đang kiếm rất khá, thì Capcom cũng úp mở dự định sẽ remake cả Dino Crisis, chỉ chẳng rõ là làm được tới đâu mà thôi, chỉ sợ lại ham tiền quá đáng như cái Re3 remake ăn bớt content nữa thì đúng là thảm họa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *